Hàng Việt tăng 'sức đề kháng' khi người tiêu dùng chi tiêu hạn chế

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến tình trạng số lượng cửa hàng bán lẻ giảm nhiều so với trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19 và nhiều cửa hàng vẫn còn đóng cửa trong điều kiện “bình thường mới."
Người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên mua sắm những sản phẩm giảm giá, khuyến mãi. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Theo kết quả Cuộc khảo sát Người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao 2022 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa công bố cho thấy, người tiêu dùng chi tiêu hạn chế, tần suất mua giảm nên thị trường vẫn còn quá khó khăn và người bán ế ẩm. Đồng thời, hàng hóa của doanh nghiệp vẫn bị tồn kho với tỷ lệ cao và đang không ngừng nỗ lực tăng "sức đề kháng" trên thị trường.

Tần suất mua giảm

Cụ thể, việc đứt gãy chuỗi cung ứng đã dẫn đến tình trạng số lượng cửa hàng bán lẻ giảm nhiều so với trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19 và nhiều cửa hàng vẫn còn đóng cửa trong điều kiện “bình thường mới.”

Một số doanh nghiệp thuộc nhóm mặt hàng bán chạy thì lại chịu ảnh hưởng bởi sự biến động về nhân công, giá cả đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh... nên hoạt động cầm chừng.

Mức độ phân phối sản phẩm của doanh nghiệp và tần suất mua của người tiêu dùng đều giảm với mua có kế hoạch như giỏ hàng của người tiêu dùng nhiều khi có tăng về khối lượng nhưng ít về số lượng món mua. Người tiêu dùng chủ yếu tập trung vào những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu và cũng chỉ thường lựa chọn sản phẩm của những doanh nghiệp, thương hiệu uy tín nhất định.

Bên cạnh hệ thống kênh phân phối hiện đại, kênh phân phối truyền thống vẫn giữ sức hút đối với người tiêu dùng, nhưng một số điểm bán như chợ, tiệm tạp hóa... không còn giữ vai trò chủ đạo có tính chất thống lĩnh thị trường như trước đây. Người tiêu dùng ưu chuộng mua sắm đa kênh và đây vẫn đang là xu hướng nổi trội hiện nay. 

Mặt khác, sự phát triển như vũ bão của kênh thương mại điện tử cũng đang mở ra nhiều cơ hội vàng cho cả người bán lẫn người mua. Mua sắm online (trực tuyến) đã thay đổi tâm lý, cũng như thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Đồng thời,mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến gần như không còn ranh giới, nhất là đối với nhóm người tiêu dùng trẻ.

Hiện nay, người tiêu dùng có thói quen dựa vào nhiều nguồn để tham khảo thông tin về sản phẩm, thận trọng hơn khi lựa chọn nơi mua sắm. Dù các kênh thông tin này có hoán đổi vị trí khi người tiêu dùng tham khảo thông tin về sản phẩm các ngành hàng, cũng như ở những thời điểm khác nhau.

Trong đó, có thể kể đến sự trải nghiệm của chính người tiêu dùng, nguồn thông tin trên không gian mạng, người thân, bạn bè, người bán được người tiêu dùng tham khảo nhiều... Ngoài ra, báo in, tạp chí hay người am hiểu, chuyên gia cũng là những nguồn thông tin tham khảo quan trọng đối với người tiêu dùng khi chọn mua nhóm sản phẩm phi thực phẩm, nhất là những sản phẩm lâu bền.

[Người tiêu dùng bình chọn 524 doanh nghiệp hàng Việt chất lượng cao]

Ghi nhận từ người bán thuộc hệ thống bán lẻ tham gia khảo sát cho thấy, có trên dưới 40% doanh nghiệp được đánh giá sản phẩm được nhiều người mua, có thương hiệu uy tín, sản phẩm đa dạng chủng loại. Đặc biệt, có trên 30% doanh nghiệp được người bán đánh giá có sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua.

Đối với hoạt động từ doanh nghiệp, có tới 1/3 doanh nghiệp được người bán lẻ đánh giá vẫn duy trì hoạt động chăm sóc khách hàng, châm hàng thường xuyên hoặc thực hiện chương trình khuyến mãi,giảm giá trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát. Đây là nỗ lực đáng trân quý của cộng đồng doanh nghiệp Việt bám trụ thị trường và giữ vững thị phầm.

Tiếp sức quảng bá thương hiệu

Bà Văn Thị Thủy Tiên, Giám đốc tiếp thị Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất-thương mại dịch vụ Qui Phúc cho biết, trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh đã cho thấy sự thay đổi về xu hướng, hành vi của người tiêu dùng. Họ hoạt động trên Internet nhiều hơn, chuộng mua hàng online không tiếp xúc, thanh toán không dùng tiền mặt...

Trước bối cảnh này, Qui Phúc vừa nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đóng góp tích cực trong công tác xã hội-cộng đồng, chung tay đẩy lùi dịch COVID-19.

Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn cần sự tiếp sức của hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước trong đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá sản phẩm trên Internet; tổ chức các hội chợ, triển lãm online kết nối doanh nghiệp và người tiêu dùng mua sắm trên môi trường Internet.

Cùng quan điểm, bà Phạm Huỳnh Minh Thi, Giám đốc tiếp thị Công ty cổ phần Anova Feed cho hay, doanh nghiệp phát triển với phương châm đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu, góp phần đưa những “thực phẩm sạch-an toàn” có thể truy suất được nguồn gốc đến tay người tiêu dùng. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tổ chức các hoạt động hội chợ triển lãm giao lưu đến khách hàng.

(Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ở góc độ hiệp hội, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, trong giai đoạn năm 2020-2021, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề tới doanh nghiệp, người lao động, nhưng nhiều sở, ngành và chính quyền địa phương đã phản hồi, ngợi khen doanh nghiệp.

Kết quả tiếp nhận, đánh giá, ý kiến từ 77 sở, ngành thuộc 39 tỉnh, thành phản hồi thông tin về doanh nghiệp qua Cuộc khảo sát Người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao 2022 cho thấy, ngoài việc thực hiện tốt quy định pháp luật, còn có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Lý giải nguyên nhân một số doanh nghiệp rời khỏi danh sách được người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao 2022, đại diện Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chỉ ra rằng, do ảnh hưởng dịch bệnh đã làm nhiều đơn vị sản xuất thu hẹp hệ thống phân phối, từ đó mức độ tiếp cận của người tiêu dùng cũng hạn chế... Người tiêu dùng hạn chế chi tiêu hơn, họ mua hàng chủ yếu tập trung vào những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu...

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là đáp ứng xu hướng mau sắm, tiêu dùng mới, bà Vũ Kim Hạnh cho hay, trong kế hoạch Chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao-Chuẩn hội nhập, sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ; kết nối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh chế biến nông sản.

Song song đó, chương trình cũng triển khai một hoạt động mới như chuẩn bị kết nối với Quỹ quốc tế (Big Idea Ventures) vận động cho “Thực phẩm đạm thay thế” là một xu hướng đang phát triển mạnh trên thế giới qua vai trò đại diện tổ chức này ở Việt Nam.

Hàng Việt Nam chất lượng cao-Chuẩn hội nhập là chương trình mà Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã theo đuổi trong hơn 5 năm qua. Một điểm rất quan trọng của Chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao-Chuẩn hội nhập là đã xây dựng tiêu chuẩn LocalG.A.P như là tiêu chuẩn bước đệm giữa VietGAP và GLOBAL.G.A.P. để đưa nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường.

Chương trình khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và tiêu chuẩn ở mức độ địa phương và quốc tế và sau đó Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong thương mại và hợp tác trên phạm vi toàn cầu.

Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 177 doanh nghiệp đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao-Chuẩn hội nhập; trong đó, có 127 doanh nghiệp thực phẩm và 50 doanh nghiệp phi thực phẩm.

Ngoài ra, một số chuyên gia đánh giá, hiện nay xuất hiện nhiều chứng nhận, giải thưởng thương hiệu có bộ tiêu chí và quy trình cấp chứng nhận chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường trong và ngoài nước, khiến người tiêu dùng phần nào mất niềm tin về uy tín, độ tin cậy.

Vì vậy, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp cần xây dựng và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa những chứng nhận, giải thưởng thương hiệu uy tín và được người tiêu dùng tin cậy như hàng Việt Nam chất lượng cao để nâng cao chất lượng hàng Việt, cũng như góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục