'Hàng Việt Nam phải tiến tới chinh phục người tiêu dùng Việt'

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hồ Gươm, trước đây doanh nghiệp chỉ tập trung vào xuất khẩu, nhưng khi có cuộc vận động, doanh nghiệp đã ý thức phát triển song song cả xuất khẩu và nội địa.
Giới thiệu sản phẩm trứng gia cầm chất lượng cho người tiêu dùng Việt. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 29/5, tại Hà Nội, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, hàng Việt phải tiến tới chinh phục người Việt.

Theo bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hồ Gươm, trước đây doanh nghiệp chỉ tập trung vào xuất khẩu, nhưng khi có cuộc vận động, doanh nghiệp đã ý thức phát triển song song cả xuất khẩu và thị trường nội địa. Đến nay, thương hiệu của doanh nghiệp đã có mặt tại Hoa Kỳ qua Amazon, hay xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản.

“Nên đổi khẩu hiệu thành hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam. Người Nhật chỉ dùng hàng Nhật và tự hào khi dùng hàng Nhật Bản. Người tiêu dùng Việt Nam cũng hướng tới tự hào dùng hàng Việt…,” bà Ninh Thị Ty cho biết.

Để làm được điều này, bà Ninh Thị Ty cho rằng ngoài việc phải tuyên truyền hơn nữa, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thông tin quảng cáo, hình ảnh cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp sợ nhất là hàng nhái, hàng giả.

“Mừng vì sản phẩm mình tốt, chiếm lĩnh thị trường thì người ta mới làm nhái, nhưng hàng nhái sẽ khiến sụp đổ lòng tin của người tiêu dùng với doanh nghiệp. Do vậy, nhà nước cần có chính sách kiểm soát hàng giả hàng nhái mạnh hơn nữa. Công việc chống hàng giả, hàng nhái đòi hỏi nỗ lực từ nhà nước, hệ thống hàng rào bảo vệ thương hiệu Việt, chứ một mình doanh nghiệp Việt Nam không thể làm được," bà Ninh Thị Ty nói.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, hiện nay cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại. Thực tế sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã chinh phục được người Việt, nhưng cần phải có sự nỗ lực hơn nữa, phải nâng cuộc vận động này lên tầm cao mới “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam." Để làm được điều này, đòi hỏi sự nâng cao năng lực của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm tới người tiêu dùng.

Ông Phí Ngọc Trung, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung Thành Foods, cho rằng hàng Việt Nam đang khẳng định chinh phục thị trường trong nước và nước ngoài về chất lượng, công nghệ. Không chỉ là thương hiệu bình dân mà cả cao cấp.

“Chúng ta mừng vì nhiều sản phẩm có xuất xứ nước ngoài đã phải mạo nhận là các thương hiệu Việt Nam. Bản thân Trung Thành đã gặp nhiều tình huống như vậy, nhiều sản phẩm mạo nhận để xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Nên cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để ngăn chặn tình trạng này, giúp hàng Việt phát triển mạnh mẽ hơn," ông Trung kiến nghị.

[Từ chỗ phải vận động, hàng Việt Nam đã được người tiêu dùng lựa chọn]

Theo báo cáo của VCCI, trong 10 năm qua, thực hiện cuộc vận động này, VCCI đã đẩy mạnh tuyên truyền, giúp các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm rộng rãi trên cả nước, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, xây dựng thương hiệu, bảo vệ người tiêu dùng…

Trong giai đoạn 2009-2018, VCCI đã tổ chức hơn 600 khóa đào tạo với các chủ đề về quản trị doanh nghiệp, quản trị nhân lực, marketing, tài chính-kế toán; kỹ năng bán hàng; các lớp về hội nhập quốc tế, tuyên truyền tập huấn các luật có liên quan đến doanh nghiệp; các khóa đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh để tang cường liên kết trong chuỗi giá trị…

Các cơ sở làng nghề tư vấn người tiêu dùng cách thức phân biệt sản phẩm nông sản thật-giả. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

VCCI cũng tổ chức 750 hội nghị tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, pháp luật; vận động doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật, trách nhiệm xã hội, văn hóa kinh doanh; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo; tổ chức các đoàn doanh nghiệp các tỉnh thành trao đổi, giao lưu và giới thiệu sản phẩm, tạo sự hợp tác tìm kiếm đối tác mở rộng kênh phân phối sản phẩm…

Theo ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động, làm thế nào để hàng hóa trong nước không chỉ chinh phục thị trường trong nước, mà hướng đến xuất khẩu. Giai đoạn năm năm tới, mục tiêu đặt ra, tiêu đề, khẩu hiệu của giai đoạn tới là gì. Vấn đề này, Ban chỉ đạo Trung ương sẽ nghiên cứu, VCCI đại diện cho doanh nghiệp, người dân chủ trì giúp cho quá trình này, tổ chức các diễn đàn, để thảo luận và đề xuất…

Hàng hóa, dịch vụ trên thế giới hiện giao thương rất sòng phẳng, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền lựa chọn. Như vậy, hàng Việt Nam cũng phải nâng cao chất lượng, giá cả hợp lý, để chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.

“Nội dung cuộc vận động có thể không thay đổi nhưng hình thức làm phải thay đổi, để phù hợp với từng đối tượng, vùng miền, thời điểm để người Việt Nam thấy rằng, đây là thay đổi thói quen, nhưng cũng là yêu nước, động viên, khích lệ doanh nghiệp trong nước phát triển," ông Hầu A Lềnh nói.

Ngoài ra, ông Hầu A Lềnh cũng cho rằng VCCI cần đề xuất với Đảng, Chính phủ để hoàn thiện thể chế, văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay như vốn, công nghệ, thị trường thì cộng đồng mới có được đủ sức mạnh vượt qua khó khăn. Cùng với đó là các giải pháp liên quan đến kiểm tra, kiểm soát hàng giả, tôn vinh khen thưởng các sản phẩm, hàng Việt Nam chất lượng…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục