Hàng Việt Nam chất lượng cao đã tạo được niềm tin từ người tiêu dùng

Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam” năm 2018 sẽ chuyển mình bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng một môi trường sinh thái.
Hàng Việt Nam chất lượng cao đã tạo được niềm tin từ người tiêu dùng ảnh 1Doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu hàng hóa đa dạng của địa phương. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam” năm 2018 sẽ chuyển mình bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng một môi trường sinh thái.

Theo đó, kết nối các đơn vị sản xuất kinh doanh, phân phối để mở ra những không gian kết nối phát triển sản phẩm và thị trường.

Đây là thông tin được cho biết tại Lễ khởi động Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2018 và Hội nghị Đối tác phát triển hàng Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 11/10.

Hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường

Theo Bộ Công Thương, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã bước sang năm thứ 9; trong đó, hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường và trên 90% hàng sản xuất trong nước.

Cuộc vận động, Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam được tổ chức thường niên do Bộ Công Thương thực hiện đã thu hút sự quan tâm đông đảo của người tiêu dùng Việt Nam trên cả nước.

Từ đó, góp phần tích cực xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam đối với việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm Việt Nam cũng như sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Đơn cử, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hàng Việt Nam chất lượng cao phủ sóng trên nhiều kênh phân phối đã tạo được niềm tin từ người tiêu dùng. Hiện tại, đa số hệ thống phân phối lớn đều tham gia hưởng ứng tốt chương trình hành động của thành phố nhằm thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với tỷ lệ hàng Việt phân phối từ 65-95%.

Còn các doanh nghiệp lớn như Co.opmart, Satra, Vissan… đã phát triển hệ thống phân phối của mình tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, với tỷ lệ hàng Việt luôn chiếm từ 90-95% trên các quầy kệ.

Tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức triển khai và hợp tác phát triển với 13 tỉnh, thành về lĩnh vực công nghiệp và thương mại trong đó việc xúc tiến, hỗ trợ tiêu thụ đặc sản các địa phương, phát triển nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có lợi thế cạnh tranh.

Theo ông Bùi Thế, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, trên cơ sở liên kết vùng, đã giúp các tỉnh, thành đẩy mạnh sự hợp tác có tính mở và tạo điều kiện để mở rộng thị trường cho các sản phẩm trong khu vực.

Mặt khác, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng công nhận và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cho 27 sản phẩm, để tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa địa phương tại thị trường nội địa và xuất khẩu.

Mặt khác, kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện cho thấy, có 92% người tiêu dùng được hỏi rất quan tâm tới cuộc vận động; 63% người tiêu dùng xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè nên mua hàng Việt Nam.

Bên cạnh đó, khát vọng kinh doanh lập nghiệp cùng sự bền bỉ đầu tư và liên tục nhiều năm qua đã thúc đẩy xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam đối với việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm Việt Nam cũng như sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động nhằm triển khai Quyết định 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”

Điều này nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho mọi sự kết nối và chia sẻ giữa mọi loại hình doanh nghiệp. Đồng thời, hướng đến mục tiêu cao nhất là nâng cao tính cạnh tranh của hàng hoá dịch vụ Việt Nam, ưu tiên sử dụng các sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

[Fivimart về tay Vingroup: Bản đồ hàng Việt tiếp tục được vẽ lại?]

Gia tăng lợi thế đặc sản địa phương

Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý và giải pháp hỗ trợ hiệu quả trong việc đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm phát triển, quảng bá các sản phẩm đặc sản gắn với địa danh, góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Tính đến giữa năm 2018 đã có 60 chỉ dẫn địa lý ở 39 tỉnh, thành phố và đã được cập nhật, giới thiệu, bảo hộ bên cạnh hàng ngàn mặt hàng đặc sản khác nhau như nước mắm Phú Quốc, cam Vinh, tỏi Lý Sơn…

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay, trong những năm gần đây để hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, Bộ Công Thương đã tổ chức chuỗi cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Theo đó, ngành công thương địa phương luôn chú trọng hoạt động hỗ trợ đặc sản địa phương, sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuận lợi tham gia vào hệ thống phân phối luôn được chú trọng (hiện đại và truyền thống).

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% và 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam." 

Bên cạnh đó, cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để cung cấp, tập huấn sử dụng cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam và phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Để đạt được các mục tiêu quan trọng này, Bộ Công Thương đã triển khai các nhóm chương trình hỗ trợ về thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng và hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam.

Đặc biệt, trong đề án này có Nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững bằng những hoạt động cụ thể, gồm: vận động doanh nghiệp sản xuất phân phối tiêu dùng hàng Việt Nam; đào tạo, tư vấn kỹ năng bán hàng Việt cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh...

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động hỗ trợ kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất-phân phối đến nay còn đối mặt với những khó khăn thách thức khi nhiều sản phẩm thế mạnh, tiềm năng của các địa phương vẫn còn sản xuất với quy mô nhỏ, sản xuất thủ công.

Đồng thời, chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm... theo yêu cầu, điều kiện cung ứng vào các hệ thống phân phối hiện đại.

Chính vì vậy, trong thời gian tới Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành dự kiến sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm của địa phương.

Trong đó, tăng cường hợp tác giữa các Sở Công Thương, chia sẻ thông tin, phối hợp thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường, hỗ trợ đầu tư, liên kết đầu tư, kiểm tra kiểm soát lưu thông hàng hóa giữa các địa phương.

Tương tự, bà Võ Phương Thủy, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần có giải pháp tiếp tục các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất... đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tiến kỹ thuật, trang thiết bị...

Song song đó, thực hiện nhân rộng chuỗi liên kết giữa nông dân - nhà vựa, thương lái - doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản đối với những mặt hàng đặc thù của địa phương.

Riêng việc liên kết vùng hỗ trợ tiêu thụ đặc sản địa phương tại thị trường trong nước, đại diện các sở ngành nhấn mạnh, cần có cơ chế chính sách phát triển thị trường bán lẻ trong nước bằng việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thương hiệu bán lẻ uy tín trong nước phát triển thành các thương hiệu bán lẻ mạnh như Sài Gòn Coop, Satramart, Vinmart… mở rộng thêm quy mô và số lượng diểm bán mới.

Ngoài ra, cũng như tập trung xây dựng và đổi mới hệ thống các chợ truyền thống để các doanh nghiệp bán lẻ nội địa tăng sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài tại thị trường Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục