Sau hơn 14 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng Việt Nam có thế mạnh (đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng) đã, đang và tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối từ các kênh truyền thống tới các hệ thống hiện đại. Đặc biệt không chỉ chinh phục người tiêu dùng tại thị trường nội địa mà còn vươn ra thế giới.
Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 11/12, tại Hà Nội.
Hàng Việt chiếm trên 80% kênh bán lẻ hiện đại
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may xuất khẩu rất lớn, với kim ngạch năm 2023 đạt 44,4 tỷ USD, giải quyết khoảng 2 triệu lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp và khoảng 1 triệu lao động kinh doanh thương mại, dịch vụ liên quan đến dệt may.
Với tiêu đề “Tự hào hàng Việt,” “Tinh hoa hàng Việt,” ông Cẩm cho rằng hàng Việt không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà vươn ra nước ngoài, chinh phục cả người tiêu dùng nước ngoài.
"Nếu đi tới các nước phát triển trên thế giới, trên các kệ hàng của họ có rất nhiều sản phẩm 'made in Việt Nam.' Đây là điều rất đáng tự hào," ông Trương Văn Cẩm nói.
Theo báo cáo của Vụ Thị trường Trong nước, năm 2022, Bộ Công Thương đã công bố 281 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín với các mặt hàng Dệt may, Càphê, Cao su, Chè các loại, Thủy sản, Gạo, Hạt điều, Hạt tiêu, Rau củ quả, Sữa, Thủ công mỹ nghệ sản phẩm từ gỗ, Sản phẩm cơ khí, Sản phẩm vật liệu xây dựng... Đây là các doanh nghiệp sản xuất được hàng Việt Nam đạt tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường khó tính. Hàm lượng giá trị gia tăng và nội địa của sản phẩm xuất khẩu đã có nhiều cải thiện.
Ngoài ra, trong 11 tháng vừa qua, cả nước có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%.
'Tự hào hàng Việt': Góp phần tạo dòng chảy xung lực trên thị trường
Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam góp phần tạo ra dòng chảy mới, đầy xung lực trên thị trường hiện nay và người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao chất lượng và uy tín thương hiệu hàng Việt Nam.
Tại thị trường trong nước, sau hơn 14 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng Việt Nam có thế mạnh (đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng) đã, đang và tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại.
Báo cáo của các địa phương đưa ra tại hội nghị cho thấy, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% như: Co.opmart (90%), Winmart (90%), BRG Retail (80-90%)..., còn các hệ thống phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như Aeon, Central Retail, MMMegaMarket, LotteMart… cũng có nhiều nỗ lực trong việc đóng góp cho cộng đồng nơi mở cơ sở kinh doanh bằng việc thu mua, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương, đặc sản vùng miền (OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng chủ lực của địa phương,…) và giữ tỷ lệ hàng Việt cao trong kênh phân phối của mình.
Để đạt được những kết quả trên, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương trong các hoạt động kết nối cung-cầu, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam, qua đó đóng góp vào việc duy trì mức tăng trưởng của thương mại trong nước và hỗ trợ đầu ra cho sản xuất trong nước.
“Thị trường trong nước đã đóng góp vào việc tăng trưởng các ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như ngành sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, góp phần tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân,” bà Nga nói.
Theo ý kiến chuyên gia, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp cung ứng cũng như người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước, dẫn tới những thay đổi mang tính bước ngoặt trong đối với xu hướng tiêu dùng hàng Việt Nam hiện nay.
Theo đó, Người tiêu dùng Việt Nam cũng mong muốn có trải nghiệm đa kênh (omni-channel) khi mua sắm online. Đặc biệt, giới trẻ chịu tác động lớn từ mạng xã hội, hành vi tiêu dùng chi phối bởi các nền tảng: Shopee, Instagram, YouTube, TikTok... Gen Z đặc biệt bị ảnh hưởng bởi nội dung truyền thông xã hội về chăm sóc da và trang điểm, các phụ kiện như trang sức và giày dép... Một tỷ lệ rất lớn người tiêu dùng đứng tuổi nay đã làm quen được với việc mua hàng từ xa thông qua dịch vụ Kỹ thuật Số.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) cho rằng, các doanh nghiệp Việt trong những năm qua đã không ngừng nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, đa dạng các loại hình kinh doanh để sản phẩm được tiếp cận nhiều nhất tới người tiêu dùng.
Chỉ trong năm 2023 đã có 519 Doanh nghiệp đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn, đồng thời, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng ưu tiên sử dụng những sản phẩm nội địa chất lượng cao.
“Theo nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo cho biết 82% người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ sẽ ưu tiên mua hàng Việt Nam nếu có sự lựa chọn,” đại diện VACOD chia sẻ.
Làm chủ sân chơi bằng chất lượng và sáng tạo
Hiện nay, với xu hướng toàn cầu hóa, đặc biệt là việc bùng nổ của Thương mại Điện tử, áp cạnh tranh về hàng hóa ngày càng trở nên khốc liệt. Bản thân người tiêu dùng, ở bất kỳ đâu cũng có thể mua hàng chỉ cần lướt mạng Internet.
Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng ngoại nhập đang có xu hướng chuyển dịch mạnh vào tiêu thụ tại thị trường nội địa sau khi các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như: Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA...) chính thức có hiệu lực, điều này cũng là thách thức rất lớn đối với hàng hóa sản xuất trong nước trong bối cảnh hội nhập chung.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tỷ trọng hàng ngoại nhập trong hệ thống phân phối, đặc biệt là kênh Thương mại Điện tử xuyên biên giới, nhiều khả năng sẽ tăng lên trong thời gian tới. Các nền tảng Số, Thương mại Điện tử đang ngày càng phát triển nhanh liên tục những năm qua và chiếm lĩnh thị trường với tốc độ tăng trưởng hơn 20%/ năm.
Thống kê của Metric đưa ra trong 6 tháng đầu năm 2023, trong 3 nền tảng nước ngoài gồm Shopee, Tiktok Shop, Lazada đã chiếm 90% doanh thu của thị trường Số ngày càng mở rộng tại Việt Nam (ước đạt 75,3 nghìn tỷ đồng).
Bên cạnh đó, nhiều chuỗi bán lẻ nước ngoài cả trực tuyến và trực tiếp đã tích cực đầu tư mở rộng hệ thống cửa hàng vật lý, kho hàng hóa tại Việt Nam để phân phối hàng ngoại nhập nhất là mỹ phẩm, hàng thời trang (dệt may, da giày), thực phẩm chức năng và thực phẩm cao cấp, đồ nội thất và gia dụng, sản phẩm phục vụ mẹ và bé…
Vì vậy, để khẳng định chỗ đứng trên thị trường, “thương hiệu và chất lượng sản phẩm” vẫn là một trong những yếu tố then chốt trong quyết định mua hàng của người Việt khi 26,1% người tiêu dùng Việt thường xuyên mua hàng từ các thương hiệu nổi tiếng; 35,8% sẵn sàng mua ít hơn nhưng sẽ lựa chọn các sản phẩm chất lượng cao hơn.
“Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước , cần sự chung tay của các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là của người tiêu dùng trong nước để đẩy mạnh thực hiện các sáng kiến, các giải pháp mới về sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” tại thị trường trong nước theo hướng bền vững trong tình hình mới,” bà Nga lưu ý thêm.
Theo đại diện VACOD, việc nắm bắt và đáp ứng các xu hướng tiêu dùng là yếu tố then chốt để doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có thể cạnh tranh và phát triển ở mọi thời điểm và bất cứ quốc gia nào.
“Để làm chủ được sân chơi của chính mình, các doanh nghiệp cần không ngừng nỗ lực đổi mới, tìm tòi, kịp thời nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới của người Việt, từ đó xây dựng được những kế hoạch, chiến lược hiệu quả, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo những sản phẩm mang tính khác biệt và giá trị,” bà Nguyễn Thị Thu Thủy khuyến nghị thêm./.