Hàng vạn du khách thập phương tham dự Lễ hội Gióng đền Sóc năm 2024

Lễ hội Gióng lưu giữ các nghi lễ độc đáo được lưu truyền từ nhiều đời nay và được UNESCO ghi danh Di sản Phi Vật thể đại diện của nhân loại.
Các thôn rước kiệu và lễ vật vào đền Sóc. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Sáng 15/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã chính thức khai hội, với sự tham gia của hàng vạn khách thập phương.

Lễ hội Gióng lưu giữ các nghi lễ độc đáo được lưu truyền từ nhiều đời nay và được UNESCO ghi danh Di sản Phi Vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn năm nay vẫn duy trì hai phần chính: phần lễ và phần hội.

Đặc biệt, phần lễ là lễ rước 8 lễ phẩm và lễ tế của các thôn làng, là những nghi lễ tạo nên “hồn cốt” của lễ hội.

Tám lễ phẩm theo truyền thống được các thôn làng cung tiến dâng Đức Thánh gồm: giò hoa tre, ngựa chiến, voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, cô tướng và cầu húc.

Đặc biệt, nghi lễ rước và cung tiến lễ phẩm giò hoa tre và trầu cau được quan tâm nhất và những năm trước thường xảy ra tình trạng tranh cướp lộc sau nghi thức tán lộc.

Tuy nhiên, từ năm 2018, việc tán lộc giò hoa tre đã được Ban tổ chức thay đổi, vừa đảm bảo các nghi lễ truyền thống, vừa đảm bảo an toàn, văn minh trong lễ hội.

Tại Lễ hội năm nay, sau lễ cung tiến, giò hoa tre và trầu cau tiếp tục được di chuyển vào hậu cung đền Thượng, sắp ra những mâm nhỏ, chuyển xuống đền Hạ (đối với giò hoa tre) và đền Mẫu (đối với trầu cau) để làm lễ. Sau đó, lộc sẽ được phát cho người dân; sẽ không có cảnh cướp giò hoa tre và trầu cau.

Việc thay đổi này được đông đảo người dân và du khách thập phương đồng tình, ủng hộ nhằm bảo đảm trật tự và văn minh cho Lễ hội Gióng.

Phần hội năm nay ngoài hoạt động thi đấu thể dục, thể thao như (vật, bóng chuyền hơi), còn có các trò chơi dân gian truyền thống như: đi cà kheo, đập niêu, kéo co, đi cầu thăng bằng và đặc biệt là hội thi nấu cơm.

Cũng tại Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn năm nay, nghi lễ và trò chơi Kéo mỏ xã Xuân Thu, cũng là Di sản Văn hóa Phi Vật thể đại diện của nhân loại, tiếp tục được tổ chức. Cùng với đó là cuộc thi Cầu húc và các chương trình nghệ thuật do các tổ chức hội, đoàn thể của huyện thực hiện.

Tại Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn năm 2024, các hoạt động dịch vụ như trông giữ xe và kinh doanh buôn bán tại lễ hội sẽ được siết chặt hơn; nghiêm cấm việc nâng giá bán sản phẩm, buôn bán hàng giả, hàng nhái, ấn phẩm mê tín dị đoan tại lễ hội. Tình trạng bán hàng rong sẽ được kiểm soát. Các trò chơi mang tính bạo lực, cờ bạc trá hình, ăn tiền cũng bị nghiêm cấm tại lễ hội Gióng đền Sóc Sơn năm 2024.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn năm 2024, cho biết thông qua các hoạt động của lễ hội sẽ góp phần tuyên truyền, quảng bá “Điểm du lịch đền Sóc” của thành phố Hà Nội, cũng như hình ảnh và tiềm năng, thế mạnh của huyện để thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.

Lễ hội Gióng đền Sóc năm 2024 diễn ra đến ngày 17/2 (tức ngày 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Ngày 15/2 cũng là ngày khai hội lễ hội đền Cổ Loa, huyện Đông Anh tưởng nhớ công ơn của Vua An Dương Vương, người có công dựng lên Nhà nước Âu Lạc, di chuyển kinh đô từ Phong Châu về Cổ Loa để xây thành.

Lễ hội được tổ chức với nhiều nghi lễ trang nghiêm thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục