Một cuộc điều tra nhằm vào văn hóa và hoạt động của Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Anh (BBC) đã chính thức bắt đầu hôm 29/10, khi tập đoàn truyền thông này đang bị cuốn vào bê bối lạm dụng tình dục trẻ em liên quan tới cố ngôi sao Jimmy Savile, một trong những tượng đài lớn nhất của ngành truyền hình Anh. Cuộc điều tra đã diễn ra một năm kể từ sau cái chết của Savile, nhân vật hiện được xem là một trong những kẻ phạm tội tình dục tồi tệ nhất trong lịch sử nước Anh, với koảng 300 nạn nhân đã tới trình báo với cảnh sát trong mấy tuần gần đây. Nó cũng diễn ra chỉ một ngày sau khi ngôi sao nhạc glam rock trong những năm 1970 là Gary Glitter bị thẩm vấn vì bị nghi ngờ có liên quan tới bê bối của Savile, dấu hiệu cho thấy cảnh sát đã mở rộng cuộc điều tra. [Có tới 200 người bị cố MC của BBC lạm dụng] Janet Smith, một cựu thẩm phán Tòa Phúc thẩm Anh, đã lãnh đạo cuộc điều tra kể trên, nhằm vào văn hóa và hoạt động của BBC trong nhiều thập kỷ Savile làm việc cho cơ quan truyền thông nhà nước này. Smith, người cũng từng lãnh đạo cuộc điều tra vào kẻ giết người hàng loạt Anh quốc Harold Shipman, cũng sẽ kiểm tra xem chính sách bảo vệ trẻ em và người tiết lộ thông tin của cơ quan này có phù hợp không. Ngoài ra, bà còn phải tìm hiểu xem liệu BBC có biết về các hành vi phạm tội của Savile diễn ra trong khuôn viên của đài hay không. Trong khi đó, giám đốc cảnh sát Anh Bernard Hogan-Howe cho biết nhiều lời tố cáo đã được gửi tới nhiều lực lượng cảnh sát khác nhau khi Savile còn sống và nếu kết hợp với nhau, người ta đã có cái nhìn rõ hơn về hành vi của ông ta. "Các bạn hẳn đã nghĩ rằng người ta lẽ ra nên bàn tán về hành vi của Savile và ngăn chặn ông ta. Sự thực thì theo thời gian, người ta có quan ngại và bắt đầu có hành động can thiệp. Nhưng có vẻ như khi đó, họ đã dựa quá nhiều vào danh tiếng của ông ta và tuyên bố của ông ra rằng chẳng có sai trái gì xảy ra. Có vẻ như người ta đã không can thiệp, dù họ đã nghi ngờ" - ông nói. Các cựu đồng nghiệp nói rằng có những tin đồn đã lan truyền về hành vi không đứng đắn của Savile và 7 nạn nhân đã từng đệ đơn lên cảnh sát khi ông ta còn sống, tuy nhiên họ dã không thể khiến Savile bị bắt. Tuy nhiên một cuốn phim tài liệu của đài ITV phát vào đầu tháng này, vốn dựa trên manh mối từ một cuộc điều tra đã bị hủy bỏ của chương trình Newsnight thuộc BBC, đã lần đầu tiên công khai nêu lên cáo buộc của vài người phụ nữ bị Savile lạm dụng. Kể từ đó, hàng chục người đã tới trình diện nhà chức trách, gây nên một bê bối lớn tại BBC, được ông Chris Patten, chủ tịch cơ quan điều hành BBC Trust, mô tả là "cơn sóng thần của những sự ô trọc bẩn thỉu." Roger Jones, cựu chủ tịch quỹ từ thiện Children in Need của đài BBC hôm 29/10 cũng tiết lộ rằng ông đã từ chối làm việc với Savile, người bị ông mô tả là dạng "nhân vật có thể khiến người ta rùng mình." Cảnh sát hiện đã tiếp nhận đơn tố cáo của khoảng 300 nhạn nhân và đang theo dõi 400 manh mối điều tra khác nhau. Theo Hogan-Howe, quá trình lạm dụng của Savile có thể đã trải dài trên 50 năm. Savile qua đời hồi năm ngoái ở tuổi 84 tại căn penthouse nằm cạnh công viên của ông ta ở thành phố Leeds. Các cáo buộc chống lại Savile đã đẩy BBC vào khủng hoảng và phá hoại danh tiếng của một trong những gương mặt truyền hình nổi tiếng nhất tại Anh từ giai đoạn 1960 - 1980.
Các tay săn ảnh quây lấy Glitter khi ca sĩ này bị cơ quan điều tra bắt giữ (Nguồn: AFP)
Gary Glitter, 68 tuổi, là người đầu tiên bị bắt dưới chiến dịch điều tra vào bê bối của Savile. Ông này đã được tạm trả tự do nhờ đóng tiền thế chân và sẽ phải trở lại trình diện nhà chức trách vào giữa tháng 12. Ông vua của thời đại nhạc glam rock Glitter, tên thật Paul Gadd, đã bán hơn 20 triệu đĩa hát và có nhiều ca khúc ăn khách như "I'm The Leader Of The Gang (I Am)" và "Rock and Roll (Parts 1 and 2)." Glitter từng bị kết án ở Việt Nam trong năm 2006 vì "có hành vi dâm ô" với 2 bé gái 11 và 12 tuổi. Ông này phải ngồi tù gần 3 năm trước khi bị trục xuất./.
Linh Vũ (Vietnam+)