Hàng triệu người dân Sri Lanka đi bỏ phiếu bầu tổng thống mới

Cuộc bầu cử tổng thống lần này được xem là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Tổng thống đương nhiệm Ranil Wickremesinghe và ứng cử viên theo chủ nghĩa Marx, Anura Kumara Dissanayake.

Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)
Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Ngày 21/9, hàng triệu người dân Sri Lanka đi bỏ phiếu để bầu ra một Tổng thống mới, người sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ củng cố đà phục hồi kinh tế mong manh của quốc gia Nam Á này sau cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Hơn 17 trong số 22 triệu người dân Sri Lanka đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống, được xem là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Tổng thống đương nhiệm Ranil Wickremesinghe, lãnh đạo phe đối lập chính Sajith Premadasa và ứng cử viên theo chủ nghĩa Marx, Anura Kumara Dissanayake.

Cuộc bỏ phiếu bắt đầu lúc 7h00 sáng 21/9 theo giờ địa phương (tức 8h30 theo giờ Việt Nam) và kết thúc lúc 16h00 giờ chiều cùng ngày (tức 17h30 giờ Việt Nam). Dự kiến, việc kiểm phiếu sẽ được tiến hành ngay sau đó.

Ông R.M.L. Rathnayake, người đứng đầu Ủy ban Bầu cử Sri Lanka, chia sẻ: "Mọi công việc chuẩn bị đã được hoàn tất để tổ chức bầu cử tại hơn 13.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc và 250.000 viên chức nhà nước sẽ được triển khai để quản lý cuộc bầu cử."

Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi nền kinh tế Sri Lanka sụp đổ vào năm 2022 do tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng, khiến quốc đảo Ấn Độ Dương này không thể chi trả cho việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thuốc men và khí đốt.

Giới quan sát nhận định cuộc bầu cử lần này tại Sri Lanka giống như một đợt trưng cầu ý dân đối với kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" mà chính phủ đương nhiệm áp dụng để nhận được gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng tài chính trầm trọng.

Tổng thống Ranil Wickremesinghe, 75 tuổi, người trực tiếp chỉ đạo thực hiện các biện pháp kể trên, cũng ra tranh cử nhiệm kỳ mới sau 2 năm lãnh đạo đất nước. Ông được tín nhiệm vì đã ổn định nền kinh tế, chấm dứt tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men nhiều tháng qua, xoa dịu tình trạng bất ổn do tác động của suy thoái kinh tế năm 2022.

Tuy nhiên, các biện pháp tăng thuế, thắt lưng buộc bụng, được áp dụng trong thời gian qua để đáp ứng các điều kiện hưởng gói cứu trợ trị giá 2,9 tỷ USD của IMF, đã khiến hàng triệu người phải vật lộn để kiếm sống.

Các chuyên gia cảnh báo rằng nền kinh tế Sri Lanka vẫn còn "mong manh" khi hoạt động thanh toán khoản nợ nước ngoài trị giá 46 tỷ USD của hòn đảo này vẫn chưa được nối lại kể từ vụ vỡ nợ của chính phủ vào năm 2022.

Ông Wickremesinghe khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện chương trình thắt lưng buộc bụng nếu đắc cử và cảnh báo rằng mọi chính sách chệch hướng so với yêu cầu của IMF sẽ dẫn đến nhiều rắc rối hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục