Hàng trăm người vây nhà máy có nguy cơ ô nhiễm

Cho rằng việc vận hành thử gây ngộ độc, hàng trăm người xã Lại Xuân, Thủy Nguyên, Hải Phòng đã bao vây nhà máy yêu cầu dừng hoạt động.
Cho rằng khói từ việc vận hành thử của Nhà máy sản xuất đất đèn của Liên hiệp Hợp tác xã khai thác chế biến khoáng sản Cường Thịnh (xã Liệt Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) khiến cho nhiều người dân phải nhập viện cấp cứu, hàng trăm người đã bao vây trước cửa cơ sở này trong nhiều ngày.
Trong khi đó, lãnh đạo huyện Thủy Nguyên khẳng định sẽ kiến nghị di dời nhà máy này do doanh nghiệp đã có nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động.
Trắng đêm “vây” nhà máy
Từ mấy ngày nay, cuộc sống của tất cả hộ dân xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng bỗng dưng bị đảo lộn khi Nhà máy đất đèn Cường Thịnh vận hành thử. Cho rằng khói từ Nhà máy này gây ô nhiễm nghiêm trọng, hàng trăm người đã lập chốt, tập trung bao vây khu sản xuất.
Anh Mạc Văn Nhường (thôn 9, xã Lại Xuân) cho hay: từ ba hôm nay, anh cùng nhiều bà con đã bỏ việc, tập trung trước cửa để ngăn nhà máy này tiếp tục hoạt động. Nguyên nhân chính được anh Nhường cho hay là do từ ngày 22/8, Nhà máy sản xuất đất đèn của Liên hiệp Hợp tác xã Cường Thịnh tiến hành vận hành thử; tới đêm 24/8, khói từ khu sản xuất đã khiến cho hàng chục người dân bị nôn ọe, choáng váng.
Chưa hết mệt mỏi, chị Trần Thị Thoa (sinh năm 1984, ở xóm 9, Lại Xuân) nhớ lại: “Khoảng gần nửa đêm 24/8, tôi nghe thấy tiếng kẻng lớn [nhân dân xã Lại Xuân dùng kẻng để tập hợp mọi người khi làng, xã có việc-PV]. Ngay lập tức, tôi đi từ nhà ra đường cái thì thấy mọi người đang đổ về phía cổng Nhà máy.”
Mặc dù vậy, chưa đi được bao xa, chị Thoa đã thấy ngực tức, khó thở, buồn nôn. Không lâu sau, chị ngã xuống và lịm đi.
“Lúc này, khói từ Nhà máy Cường Thịnh theo gió thổi thẳng vào thôn 9. Khói rất dày và có mùi khét, khó chịu,” chị Thoa nhớ lại.
 
                                       Một nạn nhân của vụ việc (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Cùng là một nạn nhân của sự việc, chị Bùi Thị Vân (sinh năm 1984, cùng thôn) cho biết, chị cũng đã bị ngất đi và được đưa vào bệnh viện Quảng Thanh cấp cứu khi hít phải loại khói này.
Điều đáng nói hơn, ngay trong đêm 24, rạng sáng 25/8, có tới 4 người phải nhập viện trong trạng thái đau đầu, nôn mửa, chân tay co cứng. Hàng chục người khác, trong đó có cả phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ cũng bị tức ngực, khó thở.
Lo lắng cho an toàn của gia đình, hàng trăm người đã tập trung trước cửa Nhà máy Cường Thịnh để phản đối việc vận hành thử này.
Bức xúc khi quyền lợi chính đáng của người dân bị “bỏ ngỏ”, ông Trần Văn Thủy, một người dân của xã cho hay: đây không phải lần đầu tiên xã Lại Xuân có người bị ngất khi nhà máy này chạy thử. Trước đó, vào tháng 12/2010, khi chạy thử lần đầu tiên, nhiều người cũng đã rơi vào tình cảnh tương tự.
Ngay như chị Thoa, vào thời điểm đó cũng đã từng phải nhập viện Quảng Thanh. Đơn thuốc mã số 17D/BV-01 ngày 13/12/2010 của chị khi đó chuẩn đoán chị bị nhiễm khí độc, trụy mạch. Tình trạng khi được chuyển đến viện là đau tức ngực, khó thở, thở dốc, đau đầu, choáng váng, nôn nao, chân tay bị tê, mạch nhanh, nhỏ…
Để đảm bảo tính khách quan, chúng tôi đã làm việc với bác sỹ trực tiếp cấp cứu cho 4 nạn nhân xã Lại Xuân trong đêm 25/8 vừa qua thì được cho hay: Đây không phải lần đầu tiên bệnh viện tiến hành xử lý cho các ca bệnh tương tự. Tuy nhiên, tất cả bệnh nhân lại đều chỉ ở xã Lại Xuân và cũng chỉ xuất hiện sau các lần Nhà máy Cường Thịnh chạy thử.
Trong báo cáo nhanh của Công an xã Lại Xuân gửi Công an huyện Thủy Nguyên cũng ghi nhận lại sự việc. Cụ thể, văn bản này nêu rõ: “23 giờ 30 phút ngày 24/8 khi nhận được tin báo của nhân dân quanh khu vực nhà máy, lãnh đạo địa phương và lực lượng công an xã đã có mặt tại hiện trường chứng kiến cảnh người dân tập trung.”
Cũng theo báo cáo này, tại thời điểm đó, lãnh đạo xã ghi nhận có khoảng trên 10 người đang trong tình trạng ôm bụng quằn quại, nôn mửa, trong đó 4 người phải đưa đi cấp cứu.
“Nhiều nhà do lo cho sức khỏe của con cái đã phải di chuyển các cháu, gửi sang nhà anh chị em ở cách xa đó,” ông Thủy chia sẻ.
Đến sáng 26/8, mặc dù Nhà máy đã dừng việc xả khói, nhưng theo quan sát của phóng viên vẫn có hàng trăm người bao vây cổng ra vào khu sản xuất. Sự việc tiếp tục nóng lên khi đoàn người này kéo nhau lên tận trung tâm huyện Thủy Nguyên để đưa ra yêu cầu đóng cửa, di dời Nhà máy ra khỏi khu dân cư của mình.
Treo đầu dê, bán thịt chó?
Theo tìm hiểu của phóng viên Vietnam+, ngày 10/9/2009, ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên, đã ra quyết định thu hồi 27.196m2 đất công ích do xã Lại Xuân giao cho ông Đồng Minh Túy thuê thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất bột nhẹ cao cấp tại khu vực Chiêm Trăng Đồng Nải Dưới tại thôn Phi Liệt, xã Lại Xuân theo đề án sản xuất kinh doanh đã được duyệt.
Thế nhưng, doanh nghiệp đã không tiến hành xây dựng đúng với đề xuất ban đầu đã được duyệt. Thay vì nhà máy sản xuất bột nhẹ phía Cường Thịnh lại tự ý xây dựng các cơ sở sản xuất đất đèn.
Điều đáng nói hơn, sự việc chỉ được chính quyền huyện Thủy Nguyên phát hiện vào khoảng tháng 8/2011 khi nhân dân xã Lại Xuân tập trung phản đối về nguy cơ ô nhiễm nhà máy có thể gây ra. Thời điểm này, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng của huyện phối hợp với UBND xã Lại Xuân tiến hành kiểm tra thực tế. Qua kiểm tra hồ sơ thủ tục và thực tế, hiện trạng cho thấy ông Đồng Minh Túy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp Hợp tác xã đã xây dựng nhà máy và tổ chức vận hành trong khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Ngay sau đó, huyện đã ra Thông báo số 278/TB-UBND yêu cầu ông Túy dừng các hoạt động của nhà máy. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo tiếp tục kiểm tra lập hồ sơ báo cáo, xử lý vi phạm hành chính về hành vi xây dựng và vận hành thử nghiệm trái phép đối với ông Đồng Minh Túy và Liên hiệp Hợp tác xã theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên, cũng cho hay thực tế, Liên hiệp Hợp tác xã Cường Thịnh đã xây dựng nhà máy khi chưa được cơ quan chức năng đồng ý và chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường về sản xuất đất đèn và được các cơ quan thẩm định của Nhà nước đồng ý, duyệt công nghệ.
Hàng trăm người vây nhà máy có nguy cơ ô nhiễm ảnh 2
Nhà máy đất đèn Cường Thịnh có nhiều vi phạm (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Ngay sau thời điểm phát hiện cơ sở Cường Thịnh sai phạm về xây dựng, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên đã yêu cầu phía doanh nghiệp phải có văn bản báo cáo lên Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đồng thời khẩn trương hoàn thiện quy trình và hồ sơ.
Trên cơ sở này, đến đầu năm 2013, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã cho phép nhà máy này vận hành thử nghiệm lần 2 để đánh giá về quy trình công nghệ. Tuy nhiên, đến khi thực hiện, phía doanh nghiệp lại tiếp tục bộc lộ những sai phạm nghiêm trọng.
Cụ thể, do lần vận hành thử năm 2011 đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân nên trước khi vận hành lần hai, huyện đã yêu cầu doanh nghiệp phải giải thích cho người dân và đạt được sự đồng thuận cao của cộng đồng thì mới được làm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện, doanh nghiệp lại báo cáo lên là đã đạt được sự đồng thuận cao.
“Trong lúc huyện đang xem xét ý kiến người dân thì Hợp tác xã Cường Thịnh đã tiến hành chạy thử. Ủy ban nhân dân huyện chưa có văn bản nào đồng ý việc này,” ông Lanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, lạ lùng hơn, mặc dù huyện chưa đồng ý, nhưng ông chủ tịch xã Lại Xuân lại khẳng định ngay từ ngày 22/8, ông đã có mặt để cùng vận hành nhà máy với đại diện doanh nghiệp thay vì tham mưu cấp trên để yêu cầu đình chỉ. Thêm vào đó, việc người dân tụ tập phản đối cũng bắt đầu từ ngày 22/8, nhưng phải đến 3 ngày sau, khi sự việc lên tới đỉnh điểm, các cấp xã, huyện, thành phố mới tiến hành báo cáo, họp khẩn và yêu cầu đình chỉ.
Điều đáng nói là việc tự ý xây dựng, chuyển đổi mục đích sản xuất từ bột nhẹ sang đất đèn đã “dồn” huyện Thủy Nguyên vào cảnh “sự đã rồi.” Bởi theo lãnh đạo huyện, theo quy chuẩn của Việt Nam, nhà máy sản xuất bột nhẹ có thể được nằm cách khu vực dân cư 50m khác hẳn với việc sản xuất đất đèn phải cách 1.000m. Trong khi đó, theo quan sát của phóng viên, trong bán kính 1.000 m quanh nhà máy có tới hàng trăm hộ dân xóm 9 đang sinh sống.
Vietnam+ sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất về sự việc tới bạn đọc./.
Không đánh đổi 80 tỷ với sức khỏe hàng nghìn hộ dân

Ngay trong ngày 26/8, Liên hiệp Hợp tác xã Cường Thịnh đã có văn bản báo cáo về sự việc gửi tới Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Sở Tài nguyên môi trường và các cơ quan chức năng. Trong văn bản này, ông Đồng Minh Túy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã, cho hay hiện phía doanh nghiệp đang gặp “vô vàn khó khăn, nợ không trả được, hàng trăm lao động phải chờ việc.” Ông Túy cũng mong muốn sự việc sớm được giải quyết để doanh nghiệp có thể trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Nguyễn Trần Lanh, mặc dù doanh nghiệp đã đầu tư khoảng 80 tỷ đồng vào dự án trong suốt 3 năm qua, nhưng không phải vì thế mà đánh đổi sức khỏe của hàng nghìn người dân hiện đang sinh sống tại khu vực này. 
Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục