Hàng trăm người biểu tình tiếp tục đổ về thủ đô Khartoum của Sudan

Thêm hàng trăm người dân từ mọi miền Sudan đã đổ về thủ đô Khartoum để tham gia cuộc biểu tình ngồi trước trụ sở của Hội đồng Quân sự Chuyển tiếp vốn đã kéo dài nhiều tuần qua.
Hàng trăm người biểu tình tiếp tục đổ về thủ đô Khartoum của Sudan ảnh 1Hàng nghìn người biểu tình tập trung bên ngoài tổng hành dinh quân đội ở thủ đô Khartoum, phản đối Hội đồng quân sự chuyển tiếp điều hành đất nước. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 23/4, thêm hàng trăm người dân từ mọi miền Sudan đã đổ về thủ đô Khartoum để tham gia cuộc biểu tình ngồi trước trụ sở của Hội đồng Quân sự Chuyển tiếp (TMC), vốn đã kéo dài nhiều tuần qua.

Họ cùng hô vang khẩu hiệu "Tự do, Hòa bình, Công bằng" và tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi yêu cầu của họ về việc thành lập chính phủ dân sự ở Sudan được đáp ứng.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Phi trong một cuộc họp khẩn cùng ngày ở Ai Cập đã nhất trí rằng "cần có thêm thời gian cho quá trình chuyển tiếp chính trị," đồng thời kêu gọi Liên minh châu Phi (AU) lùi thời hạn chót thêm ba tháng để TMC thực hiện cải cách dân chủ.

Trước đó, AU đã cảnh báo sẽ đình chỉ tư cách thành viên của Sudan nếu quân đội nước này không thể chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự trong vòng 15 ngày - tức là cho tới cuối tháng này.

[Các nước châu Phi gia hạn thời gian tiến hành cải cách tại Sudan]

Tình hình Sudan trở nên căng thẳng sau các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra từ ngày 19/12/2018, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến đời sống của người dân khó khăn hơn.

Sau khi bắt giữ Tổng thống Omar al-Bashir, quân đội Sudan đã lập TMC nhằm điều hành đất nước trong giai đoạn chờ thành lập và chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự, mà hội đồng này ước tính sẽ kéo dài tối đa hai năm. Tuy nhiên, việc phế truất Tổng thống al-Bashir ngày 11/4 vừa qua và những lời cam kết của TMC chưa thể thoả mãn những người biểu tình.

Căng thẳng đã leo thang tại Sudan sau khi các cuộc đối thoại giữa người biểu tình và TMC đổ vỡ. Lực lượng biểu tình ngày 21/4 vừa qua thậm chí đã từ chối đối thoại với TMC, cho rằng TMC không khác mấy so với chính quyền của Tổng thống Omar al-Bashir.

Nhiều nước trên thế giới cũng đã hối thúc TMC sớm chuyển giao quyền điều hành đất nước cho chính quyền dân sự, trong đó có Mỹ. Phát biểu với hãng tin AFP ngày 23/4 nhân chuyến thăm Khartoum, bà Makila James - Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Phi - nêu rõ: "Chúng tôi ủng hộ nhu cầu chính đáng của người dân Sudan về một chính phủ dân sự lãnh đạo đất nước."

Nhân chuyến thăm này, bà Makila James cũng đã có cuộc gặp với người đứng đầu TMC - Tướng Abdel Fattah al-Burhan cùng nhiều quan chức khác của hội đồng quân sự này. Tuy nhiên, bà Makila James cũng nêu rõ Mỹ hiện vẫn liệt Sudan vào danh sách các quốc gia bảo trợ cho khủng bố và nhấn mạnh chính sách của Washington với Khartoum sẽ dựa trên những đánh giá của Mỹ về các diễn biến trên thực địa và những hành động của chính quyền chuyển tiếp.

Mỹ liệt Sudan vào danh sách các nước tài trợ khủng bố vào năm 1993 dưới thời của Tổng thống Bill Clinton, áp đặt lệnh cấm vận thương mại và siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục