Theo UNICEF, lũ lụt và sạt lở đất trên diện rộng tại 5 tỉnh miền Trung Việt Nam đã khiến hơn 1,5 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh, dinh dưỡng kém và chậm phát triển. Có ít nhất 135.000 gia đình đã bị ảnh hưởng trực tiếp ở một số xã có mực nước lũ dâng cao tới 2m và hơn nửa triệu người không có nước sạch.
Nhà cửa bị tàn phá, mùa màng và sinh kế bị phá hủy, cơ sở hạ tầng bị hư hại. Đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo có 42 trạm y tế xã bị tàn phá và nhiều trạm y tế khác bị cô lập, không thể tiếp cận được do nước lũ, khiến các bà mẹ và trẻ em không được chăm sóc y tế cơ bản và không được phòng bệnh, một công việc rất quan trọng trong thời điểm nguy cơ dịch bệnh gia tăng.
Tại nhiều địa phương, các trường học đã bị hư hại và tạm ngừng hoạt động. Do đó, gần 1,2 triệu học sinh hiện đang nghỉ học và việc học tập của các em bị gián đoạn. Cơ hội để thực hiện ngay các hoạt động cứu trợ không nhiều vì theo dự báo một cơn bão khác xuất phát từ vùng biển tương tự và có thể đổ bộ vào đất liền trong những ngày tới.
Các chuyên gia của UNICEF tham gia cùng nhóm khảo sát do Tổng cục Phòng chống Thiên tai Việt Nam dẫn đầu đã đến các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất để đánh giá đầy đủ các nhu cầu của trẻ em và phụ nữ bị ảnh hưởng. Dựa trên thông tin đó, UNICEF sẽ huy động và phân bổ thêm kinh phí và hỗ trợ chuyên môn để Chính phủ và cộng đồng giải quyết những thách thức của đợt lũ lụt này.
[Trường đại học hỗ trợ, miễn giảm học phí cho sinh viên vùng lũ]
Ông Lý Phát Việt Linh, Chuyên gia về cứu trợ khẩn cấp của UNICEF hiện đang ở Quảng Bình, một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất cho đến nay cho hay: “Lũ lụt và sạt lở đất đã gây thiệt hại nặng nề cho các xã mà chúng tôi đến khảo sát. Trường học bị hư hại, sách vở và các tài liệu học tập khác bị nước phá hủy. Người dân không có nước sinh hoạt, nhà vệ sinh bị chìm dưới nước. Điều kiện vệ sinh yếu kém làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiêu chảy và các bệnh phụ khoa.”
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: “UNICEF đã phân bổ 100.000 USD ban đầu để hỗ trợ khẩn cấp về nước, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, y tế, dinh dưỡng và giáo dục, cũng như hỗ trợ tâm lý xã hội và bảo vệ trẻ em. Chúng ta cần đồng thời khẩn trương giải quyết các nguy cơ về sức khỏe và tạo điều kiện để trẻ em tiếp tục học tập. Trong trường hợp nhiều em phải quay lại học trực tuyến thì ngành giáo dục cần nhanh chóng đánh giá khả năng truy cập và kết nối của học sinh. Đồng thời, chúng ta cũng cần quan tâm hơn nữa đến sức khỏe tâm thần của trẻ em. Chúng ta cần nhận thức sâu sắc về tác động của thảm họa đối với trẻ em, không chỉ đối với sức khỏe thể chất và dinh dưỡng, mà phụ nữ và trẻ em thường phải đối mặt với những rủi ro ngày càng cao làm cho họ luôn căng thẳng và lo lắng, và đó là điều chúng ta cần phải quyết càng nhanh càng tốt."
Với dự báo sẽ tiếp tục có mưa, UNICEF đang theo dõi sát sao các nguy cơ về sức khỏe, đưa ra các giải pháp cho những thách thức hiện có như sự lây lan của dịch bệnh, thiếu thực phẩm dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em, khám sức khỏe định kỳ cho phụ nữ có thai hoặc duy trì tiêm chủng định kỳ.
“Theo các báo cáo của các nhân viên UNICEF ở hiện trường các tỉnh bị ảnh hưởng thì thiệt hại rất đau lòng và nguy cơ với trẻ em ngày càng cao. Các em đã phải chịu ảnh hưởng của COVID, và khả năng phục hồi của chúng đã được kiểm chứng. UNICEF gửi lời chia buồn chân thành tới những người bị ảnh hưởng và chúng tôi kêu gọi những người ủng hộ trên toàn thế giới hãy hỗ trợ các nỗ lực phục hồi,” bà Rana Flowers nói./.