Hàng trăm cuộc biểu tình, đình công diễn ra trên khắp nước Pháp

Ngày 31/3, trên khắp nước Pháp diễn ra gần 270 cuộc biểu tình do ba nghiệp đoàn lớn nhất tại Pháp khởi xướng nhằm gây sức ép đối với chính phủ, đòi rút lại dự luật cải cách lao động.
Quang cảnh một cuộc biểu tình tại thủ đô Paris, Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 31/3, trên khắp nước Pháp diễn ra gần 270 cuộc biểu tình do ba nghiệp đoàn lớn nhất tại Pháp khởi xướng nhằm gây sức ép đối với chính phủ, đòi rút lại dự luật cải cách lao động gây tranh cãi của nước này. Giao thông tại nhiều nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Riêng tại Paris, cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra ở phía Đông thủ đô, thu hút sự tham gia chủ yếu của giới sinh viên và học sinh. Hoạt động biểu tình đã khiến một nửa số chuyến tàu điện tuyến ngoại ô và tàu tốc hành trong khu vực ngừng hoạt động, gần 1/3 chuyến tàu điện ngầm Paris không thể xuất bến, chỉ một nửa chuyến tàu tốc hành chạy tuyến phía Bắc còn hoạt động, trong khi số chuyến tàu tốc hành phục vụ các hướng còn lại là 1/4.

Song song với các cuộc biểu tình là hoạt động đình công của nhân viên kiểm soát không lưu, khiến hơn 30% số chuyến bay tại sân bay Marseille và ít nhất 20% số chuyến bay tại sân bay Orly bị hủy bỏ.

Tình trạng này dẫn tới quá tải ở các tuyến đường bộ và hiện tượng tắc nghẽn trên các tuyến đường quanh thủ đô Paris kéo dài hơn 300km. Theo kế hoạch, các viên chức nhà nước, nhân viên tập đoàn năng lượng EDF và tập đoàn dầu khí Total, cùng giới báo chí cũng tham gia hoạt động đình công này.

Đây là đợt biểu tình đình công thứ 4 tại Pháp trong năm nay nhằm phản đối dự luật cải cách lao động gây nhiều tranh cãi trên. Trước đó, ngày 24/3, sinh viên trên toàn nước Pháp đã xuống đường biểu tình nhằm phản đối dự luật lao động được cho là ưu ái giới chủ.

Cuộc biểu tình thu hút sự tham gia của 43.000 sinh viên, trong đó có 5.000 người tại thủ đô Paris. Hồi đầu tháng 3 vừa qua, gần 200.000 người lao động và sinh viên đã tham gia các cuộc biểu tình trên toàn nước Pháp nhằm gây sức ép đối với chính phủ, đòi rút lại dự luật trên.

Dự luật lao động mới của Pháp do Bộ trưởng Lao động Myriam El Khomri chủ trì soạn thảo, được đưa ra ngày 18/2, đã gây phản ứng mạnh trong nội bộ đảng Xã hội cũng như trong dân chúng và các tổ chức công đoàn.

Ngày 14/3 vừa qua, Chính phủ Pháp công bố một số điểm nhượng bộ trong dự luật lao động sau cuộc biểu tình lớn trên toàn quốc thu hút hàng trăm nghìn công đoàn viên và sinh viên.

Bất chấp sự nhượng bộ của chính phủ, hai tổ chức nghiệp đoàn lớn tại Pháp là Force Ouvrière (FO-Lực lượng công nhân) và Hội Liên hiệp sinh viên Pháp (UNEF) vẫn kêu gọi rút lại dự luật lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục