Theo nhận định của các nhà quản lý thương mại Hà Nội, do giá cả nguyên liệu đầu vào, giá các mặt hàng nhập khẩu tăng, đặc biệt là sự tăng giá không ngừng của vàng và tỷ giá ngoại tệ đã làm ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa thiết yếu liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2010 của Hà Nội tăng 1,22% so với tháng trước, tăng 9,86% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,86% so với tháng 12/2009; cao nhất trong tám tháng trở lại đây. Trong đó, các mặt hàng lương thực, thực phẩm có mức tăng đáng kể.
Tuy nhiên, Sở Công thương Hà Nội cũng cho biết, sự tăng giá hàng tiêu dùng thiết yếu này xảy ra mạnh nhất ở các chợ truyền thống; riêng đối với hệ thống siêu thị giá cả hàng hóa tương đối ổn định.
Tại các chợ truyền thống, lợn hơi đạt 33.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng so với cuối tháng 9; thịt lợn nạc thăn 80.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng; thịt lợn ba chỉ 65.000 đồng/kg tăng 5000 đồng; thịt bò thăn 190.000 đồng/kg tăng 30.000 đồng; thịt bò mông 175.000 đồng/kg tăng 30.000 đồng; cá chép 66.000 đồng/kg tăng 1000 đồng; tôm sú 183.000 đồng/kg tăng 23.000 đồng.
Các loại hoa quả, rau xanh cũng có mức tăng cao như cam sành 52.000 đồng/kg tăng 10.000 đồng; bưởi Năm Roi 16.000 đồng/kg tăng 2.000 đồng; bắp cải 11.000 đồng/kg tăng 3.000 đồng; khoai tây 16.000 đồng/kg tăng 2.000 đồng; cà chua 16.500 đồng/kg tăng 1.500 đồng.
Tại siêu thị Big C, Intimex, Fivimart, CoopMart giá các mặt hàng thực phẩm khá ổn định và sự chênh lệch giá cả giữa các siêu thị không đáng kể. Tại siêu thị Big C, thịt lợn mông sấn 69.900 đồng/kg, thịt nạc thăn 79.900 đồng/kg, thịt bò thăn 150.000 đồng/kg, nghêu 28.900 đồng/kg, mực 82.900 đồng/kg, sò huyết 48.900 đồng/kg, dưa hấu 7.400 đồng/kg, khoai tây 5.800 đồng/kg, cải ngọt 15.500 đồng/kg, cà chua 12.900 đồng/kg, bưởi Năm Roi 15.200 đồng/kg…
Tuy nhiên, Sở Công thương Hà Nội cũng đánh giá, hai tuần đầu tháng 10, khi Hà Nội tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, giá cả thị trường chịu tác động theo xu hướng tăng. Nhưng hai tuần cuối tháng 10, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại Hà Nội như gia cầm và thịt bò đã có dấu hiệu giảm so với hai tuần trước đó, một số mặt hàng vẫn còn duy trì mức giá cao. Giá một số loại rau xanh cũng giảm nhẹ sau thời gian tăng giá mạnh vào dịp đầu tháng.
Trong thời gian tới, Sở Công thương Hà Nội dự báo, nguồn cung lúa gạo hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tuy nhiên, do giá gạo xuất khẩu cao nên giá lúa gạo trong nước có thể còn tăng nhưng sẽ không có biến động mạnh. Theo đó, nguồn cung nhiều mặt hàng thực phẩm, nhất là thịt các loại đang có nhiều hạn chế do bị ảnh hưởng bởi bão lũ miền Trung, dịch bệnh tai xanh kéo dài, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người chăn nuôi giảm số lượng đàn nuôi.
Nguồn cung thịt lợn dự kiến sẽ còn ở mức thấp trong 2-3 tháng tới khiến thị trường thịt theo đó cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến động về giá. Thời gian tới, khi dịch bệnh tai xanh không còn, nguồn cung khan hiếm, giá thịt lợn dự kiến sẽ tăng. Một mặt, nhu cầu của người tiêu dùng về nguồn thực phẩm thủy sản tươi sống đang có xu hướng tăng ở những tháng cuối năm trong khi nguồn cung thủy sản không được dồi dào do thiên tai tại một số vùng trên cả nước.
Một số loài thủy sản nuôi bị tác động bởi tỷ giá tăng gây áp lực lên giá thức ăn làm đội chi phí giá thành. Dự báo, mặt hàng này sẽ nằm trong xu hướng tăng nhẹ hoặc ổn định ở mức cao. Riêng nhóm hàng rau, củ, quả thời gian tới sẽ duy trì ở mức ổn định./.