Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Standard & Poor's (S&P) ngày 24/3 đã hạ mức tín nhiệm của Brazil xuống mức BBB-, mức thấp nhất trong phân loại đánh giá đầu tư.
Động thái này của S&P được dự đoán ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín chính phủ của Tổng thống Dilma Roussef vốn đang nỗ lực cải thiện nền kinh tế trì trệ suốt nhiều năm qua.
Thông báo của S&P cho rằng quyết định giảm tín nhiệm được đưa ra do một loạt các yếu tố kết hợp gồm tiềm lực tài chính suy giảm, triển vọng cải thiện tình hình không sáng sủa trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục ở mức thấp, chính phủ không có nhiều cơ hội và thời gian để điều chỉnh chính sách do ngân sách hạn hẹp và cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra vào tháng 10 tới tại quốc gia này.
S&P nhận định các biện pháp miễn giảm thuế, giảm chi tiêu ngân sách không chỉ làm trầm trọng thêm tình hình tài chính Brazil mà còn xói mòn uy tín của Brazil trong mắt các nhà đầu tư.
S&P dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Brazil vẫn thấp trong vài năm tới với năm 2014 đứng ở mức 1,8% và trên 2% trong năm tiếp theo. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tiêu cực, S&P vẫn công nhận nợ nước ngoài của Brazil hiện trong tầm kiểm soát.
Phản ứng với quyết định của S&P, Chính phủ Brazil chỉ trích việc hạ tín nhiệm không tương ứng với điều kiện kinh tế hiện tại của nước này.
Tuyên bố của Bộ Tài chính nói rằng quyết định của S&P đi ngược lại thực tế rằng Brazil có cơ sở kinh tế vững chắc hơn so với nhiều nền kinh tế lớn khác.
Bên cạnh đó, Brazil cũng đã cải thiện được khả năng đối phó với các cú sốc kinh tế bên ngoài vì hiện tại dự trữ ngoại hối nước này xếp thứ năm trong số các nền kinh tế trong G20.
Giới phân tích nhận định việc S&P công bố quyết định hạ mức tín nhiệm của Brazil vào thời điểm hiện nay là khá bất ngờ, đặc biệt khi Tổng thống Roussef đang chuẩn bị tranh cử nhiệm kỳ thứ hai và phe đối lập đang chỉ trích chính phủ đương nhiệm thực thi những chính sách tài chính không minh bạch để lấy lòng cử tri trước cuộc bầu cử tổng thống./.