Ngày 26/2, hàng nghìn người đã tụ tập biểu tình xung quanh các trụ sở của chính quyền Romania tại thủ đô Bucharest, yêu cầu chính phủ của đảng Dân chủ Xã hội từ chức xung quanh vụ bê bối liên quan tới một sắc lệnh của chính phủ về chống tham nhũng, được cho là bảo vệ các quan chức chính phủ trước khả năng bị truy tố.
Đầu tháng 2, Chính phủ của Thủ tướng Sorin Grindeanu đã ban hành một sắc lệnh nhằm "hợp pháp hóa" một số hành vi liên quan hối lộ.
Ngay sau đó, động thái này đã bị các nước phương Tây chỉ trích, đồng thời châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình trên khắp cả nước và đỉnh điểm là cuộc biểu tình của hơn 1 triệu người tham gia.
Trước áp lực của dư luận, ngày 22/2, liên minh cầm quyền đã phải hủy bỏ sắc lệnh trên, đồng thời tuyên bố sẽ tiến hành cải tổ chính phủ với hy vọng giải quyết được tình trạng căng thẳng hiện nay.
Mặc dù số người tham gia cuộc biểu tình ngày 26/2 đã giảm mạnh so với hồi đầu tháng, nhưng vẫn khoảng 3.000-5.000 người xuống đường ở Bucharest đòi chính phủ từ chức.
Những người biểu tình đã giơ cao những mảnh giấy màu xanh và vàng, đồng thời dùng điện thoại di động thắp sáng để làm thành lá cờ Liên minh châu Âu (EU) khổng lồ. Nhiều người biểu tình khác mang theo biểu ngữ "Phản đối."
Ngoài ra, hàng nghìn người cũng đã tiến hành biểu tình tại các thành phố trên khắp Romania.
Trong bài phát biểu trên truyền hình địa phương, Thủ tướng Sorin Grindeanu khẳng định đang cố gắng hạ nhiệt tình hình căng thẳng, đồng thời cho biết muốn thực thi các chương trình của chính phủ.
Đảng Dân chủ Xã hội và Liên minh Tự do và Dân chủ (ALDE) đã chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 12 năm ngoái với cam kết sẽ tăng lương, lương hưu và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại một trong số những quốc gia nghèo nhất châu Âu này. Bởi vậy, hiện nay, các đảng này vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân.
Hôm 25/2, khoảng 8.000 người đã tham dự cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ do đảng Dân chủ Xã hội tổ chức tại Targoviste, thành phố miền Trung Romania.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá Romania nằm trong số các quốc gia tham nhũng nhất châu Âu và Brussels hiện vẫn kiểm soát đặc biệt đối với hệ thống tư pháp của nước này./.