Hàng nghìn người chen chúc đổi vé tàu tại ga Sài Gòn

Tại ga Sài Gòn, hàng nghìn hành khách chen chúc xếp hàng đợi đổi vé hợp lệ, trong khi trước cổng ga, đội ngũ "cò vé" vẫn ngang nhiên hoạt động.
Hàng nghìn người chen chúc đổi vé tàu tại ga Sài Gòn ảnh 1Hành khách chen chúc tập trung đổi vé (Ảnh: Trần Tình/Vietnam+)

Từ sáng sớm 23/1 tại Ga Sài Gòn đã có hàng trăm hành khách chen chúc nhau xếp hàng để xác nhận lại thông tin đổi vé tàu hợp lệ. Con số thứ tự lên tới hàng nghìn trong khi có những hành khách chỉ còn rất ít thời gian để lên tàu về quê đón Tết.

Hành khách bức xúc

Có mặt từ lúc 8 giờ ngày 23/1 tại ga Sài Gòn, chúng tôi thấy có hàng trăm người xếp hàng lấy số thứ tự để xác nhận lại thông tin trên vé tàu (đổi vé tàu cho hợp lệ).

Đến khoảng hơn 10 giờ, nhân viên ga tàu phát ra số thứ tự vượt gần 2.000 cho hành khách.

Chen chúc, mệt mỏi, nhẫn nại, cáu gắt, thậm chí to tiếng, là tình cảnh mà các hành khách phải chịu đựng ở đây.

Trước đó, nhiều hành khách chuẩn bị hành trình về quê ăn Tết (chủ yếu công nhân, lao động nghèo) nhưng không được lên tàu do vé ghi không đúng tên và ba số cuối chứng minh nhân dân của người đi.

Một số đông đã buộc phải hủy chuyến tàu, bắt xe về lại nhà hoặc phòng trọ, chịu mất tiền mua vé tàu và cố tìm cách khác để về quê. Rất đông người bức xúc đã đến ga đòi đổi lại vé, gây náo loạn khu vực ga Sài Gòn.

Nhiều hành khách đổi vé tại ga cho biết sở dĩ họ mua vé qua các đại lý, "cò vé" vì đã từng đến trực tiếp tại ga mua nhưng nhân viên thông báo hết vé, thủ tục chờ đợi lâu.

Chị Trần Thị Thương (quê Nghệ An) cho biết chị mua vé tập thể tại một đại lý vé ở quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh (ngày về Vinh là 25/1) nhưng tên trên vé lại ghi là Hoa. Khi biết tin ga Sài Gòn sẽ không cho những hành khách lên tàu nếu tên và số chứng minh nhân dân của họ không đúng với tên và số chứng minh nhân dân ghi trên vé nên chị Thương vội vã sắp xếp công việc và có mặt ở ga lúc 7 giờ sáng. Tuy đã đến sớm như thế nhưng số thứ tự đến lượt chị vẫn là 880.

Chị Thương bức xúc: "Vé không phù hợp thì không lên tàu được mà đổi thì mất thời gian, chưa kể phải sắp xếp công việc. Không biết đến chiều nay tôi có đổi được vé hay không nữa khi mà người xếp hàng đang rất đông."

Anh Nguyễn Đồng Hới (quê Hà Nam) cho biết anh từ Đồng Nai lên Thành phố Hồ Chí Minh từ tối qua, ở nhờ nhà bạn rồi tranh thủ ra ga sớm để được cấp lại thông tin trên vé vì 13 giờ ngày 23/1, anh sẽ đi chuyến về Hà Nội.

Trước đó, vì ở xa ga Sài Gòn nên anh ra đại lý ở Biên Hòa mua vé và không được nhân viên ở đây thông báo về quy định nói trên. Cận ngày đi, anh mới biết và tá hỏa lên ga Sài Gòn để làm thủ tục.

Cầm trong tay số thứ tự 1.660, một hành khách nữ đầy vẻ mệt mỏi cho biết vé của chị đi vào 19 giờ ngày 23/1, nhìn dòng người chờ đổi vé chị lo lắng không biết khi nào mới đến lượt mình.

Cạnh đó, một hành khách khác chìa tấm vé (đóng dấu mộc đỏ của ga Sài Gòn) đi bổ sung thông tin, bức xúc: "Tôi mua vé ngồi mềm điều hòa tuyến Sài Gòn-Hà Nội 1,4 triệu đồng, chưa kể 250.000 tiền 'cò vé' đi ngày 27/1, nhưng tên và 3 số cuối trên chứng minh nhân dân không đúng nên tôi phải nghỉ làm để từ Đồng Nai lên thành phố làm thủ tục đổi vé, rất mệt mỏi và tốn thời gian…"

Có hay không một sự móc ngoặc?

Trong khi hàng nghìn hành khách trong ga đang mệt mỏi chen chúc đợi đổi vé thì trước cổng ga Sài Gòn, cảnh phe vé vẫn diễn ra công khai và vẫn có khá nhiều hành khách thỏa thuận mua vé.

Dư luận đặt ra câu hỏi là tại sao nhiều người đến trực tiếp ga để mua vé thì nhân viên bảo hết nhưng ra cổng ga Sài Gòn lại được "cò vé" mời mọc nhiệt tình với phí dịch vụ từ 200.000-250.000 đồng/vé?

Việc in tên khách và ba số cuối trên chứng minh nhân dân là nhằm giảm tình trạng đầu cơ vé nhưng rốt cuộc, phần lớn vé tàu vẫn bị tuồn ra chợ đen còn hành khách rất vất vả để mua mà vẫn không được sở hữu vé chính thức mang tên mình. 

Hàng nghìn người chen chúc đổi vé tàu tại ga Sài Gòn ảnh 2Vé mua ở chợ đen không ghi đúng tên và số chứng minh nhân dân của hành khách (Nguồn: Trần Tình/Vietnam+)

Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã liên lạc với ông Đinh Văn Sang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải hành khách Đường sắt Sài Gòn và ông Nguyễn Văn Thành, Trường ga Sài Gòn - đơn vị đề xuất và thực hiện cách in tên và số chứng minh nhân dân trên vé, tuy nhiên cả ông Sang và ông Thành đều từ chối trả lời./.

Có dấu hiệu hình sự 

Luật sư Nguyễn Văn Cường, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng sự việc này có dấu hiệu hình sự cần phải xử lý. 

Luật sư Cường phân tích, trường hợp nhiều người mua vé nhưng không lên được tàu, vé không còn giá trị, nghĩa là mất tiền. 

Ví dụ trung bình mỗi vé 1 triệu đồng thì hàng chục người đã bị mất hàng chục triệu đồng, chưa kể các tổn thất đi kèm như phải dời công việc, điều chỉnh thời gian... 

Những đại lý bán vé biết quy định của ga là phải in đúng tên và ba số cuối chứng minh nhân dân của hành khách đi mới được lên tàu, còn nếu không đúng thì không được lên mà vẫn cố tình bán để kiếm tiền là trái pháp luật. 

Đó còn chưa kể các cò vé bằng thủ đoạn gian dối hoặc nếu có sự móc ngoặc nào đó, để có, đã có và bán được những bán vé tương tự để thu lợi, cũng là bất chính. Những yếu tố trên đã có dấu hiệu hình sự và cần phải được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý dứt điểm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục