Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi ngày 10/9 đã tham gia các cuộc tuần hành, biểu tình ở trung tâm Cairo và một số tỉnh thành khác.
Với khẩu hiệu "Ủng hộ nhân phẩm và tự do của phụ nữ Ai Cập," cuộc tuần hành này diễn ra theo lời kêu gọi của nhóm "Thanh niên phản đối đảo chính" có liên hệ với tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và Liên minh Quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do MB dẫn đầu và quy tụ 33 phong trào Hồi giáo - nhằm đòi phục chức cho ông Morsi, cũng như phản đối việc "bắt giữ và sát hại" những người phụ nữ tham gia các cuộc biểu tình hòa bình. Đây là lần đầu tiên kể từ các cuộc đụng độ bạo lực đẫm máu vào trung tuần tháng Tám vừa qua, phe Hồi giáo tổ chức biểu tình ngay tại trung tâm Cairo vốn được cảnh sát và quân đội bảo vệ hết sức cẩn mật.
Trước thời điểm diễn ra cuộc biểu tình này, quân đội và cảnh sát đã được đặt trong tình trạng báo động. Cảnh sát đặc biệt và Lực lượng An ninh Trung ương được triển khai dày đặc tại khu vực xung quanh quảng trường Talaat Harb - cách quảng trường Tahrir nổi tiếng ở thủ đô Cairo chỉ khoảng một kilômét. Trong khi đó, binh sỹ quân đội và nhiều xe bọc thép tiếp tục trấn giữ các ngả đường dẫn tới quảng trường Tahrir nhằm ngăn chặn những người ủng hộ ông Morsi chiếm địa điểm mang tính biểu tượng này.
Ngoài quảng trường Talaat Harb, hàng nghìn người khác, trong đó có nhiều phụ nữ, đã tham gia biểu tình chống cuộc "đảo chính quân sự" hôm 3/7 tại các quận Haram, Madinet Nasr và Obour thuộc Cairo, tỉnh Sharqiya ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile, các tỉnh Minya và Beni Suef ở vùng Thượng Ai Cập. Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu tiên trong gần 10 tuần qua, cuộc biểu dương lực lượng này của phe Hồi giáo ủng hộ ông Morsi không kéo theo các cuộc đụng độ bạo lực đường phố.
Cùng ngày, Ủy ban sửa đổi hiến pháp gồm 50 thành viên đại diện cho các lực lượng chính trị, tôn giáo và thành phần xã hội đã tiến hành bầu người đứng đầu 5 tiểu ban phụ trách các mảng xã hội và thông tin; quyền tự do và chính trị; hệ thống điều hành nhà nước; nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp; và soạn thảo. Dự kiến, các tiểu ban này sẽ có 3 tuần để đệ trình các đề xuất liên quan đến Hiến pháp.
Cũng trong ngày 10/9, các công tố viên tại tỉnh Beni Suef đã ra lệnh giam giữ 15 ngày đối với 10 thành viên của MB và 44 người khác bị tình nghi tham gia các vụ phá hoại trật tự công cộng, tấn công, phóng hỏa và cướp phá nhiều đồn cảnh sát tại thành phố Beni Suef, cũng như tại các thị trấn Semesta và Ihnasia. Ngoài ra, 10 thành viên của MB nói trên còn bị cáo buộc cướp và chôn cất tử thi của người biểu tình khi chưa được khám nghiệm hoặc có lệnh của thẩm phán.
Trong khi đó, cảnh sát tỉnh Minya đã bắt giữ 27 nghi can tham gia các vụ tấn công nhằm vào các đồn cảnh sát, trụ sở các cơ quan nhà nước và nhà thờ của người Cơ Đốc giáo. Ngoài ra, cảnh sát cũng thu hồi 16 khẩu súng bị những người biểu tình đánh cắp tại một số đồn cảnh sát trong các vụ bạo loạn nổ ra tại tỉnh này sau chiến dịch giải tán hai khu lán trại của những người ủng hộ ông Morsi tại Cairo và tỉnh Giza kế bên vào ngày 14/8 vừa qua.
Cùng ngày, trên 2.000 binh sỹ Ai Cập được trực thăng chiến đấu yểm trợ tiếp tục tấn công vào sào huyệt của các nhóm phiến quân Hồi giáo tại Bán đảo Sinai, tiêu diệt 9 tên và bắt sống 10 tên khác.
Trong một diễn biến khác, chính quyền lâm thời Ai Cập đã ra lệnh cấm 55.000 giáo sỹ không có giấy phép tổ chức cầu nguyện trong các nhà thờ Hồi giáo, động thái mới nhất nhằm vào những người có cảm tình với ông Morsi.
Theo Bộ trưởng Truyền giáo Ai Cập Mohamed Mokhtar Gomaa, việc các giáo sỹ không có giấy phép tham gia giảng đạo được xem là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Lệnh cấm này chủ yếu nhằm vào các nhà thờ nhỏ không có giấy phép hoạt động hoặc các khu vực cầu nguyện tự phát nhằm bảo vệ người dân khỏi các "tư tưởng cực đoan"./.
Với khẩu hiệu "Ủng hộ nhân phẩm và tự do của phụ nữ Ai Cập," cuộc tuần hành này diễn ra theo lời kêu gọi của nhóm "Thanh niên phản đối đảo chính" có liên hệ với tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và Liên minh Quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do MB dẫn đầu và quy tụ 33 phong trào Hồi giáo - nhằm đòi phục chức cho ông Morsi, cũng như phản đối việc "bắt giữ và sát hại" những người phụ nữ tham gia các cuộc biểu tình hòa bình. Đây là lần đầu tiên kể từ các cuộc đụng độ bạo lực đẫm máu vào trung tuần tháng Tám vừa qua, phe Hồi giáo tổ chức biểu tình ngay tại trung tâm Cairo vốn được cảnh sát và quân đội bảo vệ hết sức cẩn mật.
Trước thời điểm diễn ra cuộc biểu tình này, quân đội và cảnh sát đã được đặt trong tình trạng báo động. Cảnh sát đặc biệt và Lực lượng An ninh Trung ương được triển khai dày đặc tại khu vực xung quanh quảng trường Talaat Harb - cách quảng trường Tahrir nổi tiếng ở thủ đô Cairo chỉ khoảng một kilômét. Trong khi đó, binh sỹ quân đội và nhiều xe bọc thép tiếp tục trấn giữ các ngả đường dẫn tới quảng trường Tahrir nhằm ngăn chặn những người ủng hộ ông Morsi chiếm địa điểm mang tính biểu tượng này.
Ngoài quảng trường Talaat Harb, hàng nghìn người khác, trong đó có nhiều phụ nữ, đã tham gia biểu tình chống cuộc "đảo chính quân sự" hôm 3/7 tại các quận Haram, Madinet Nasr và Obour thuộc Cairo, tỉnh Sharqiya ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile, các tỉnh Minya và Beni Suef ở vùng Thượng Ai Cập. Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu tiên trong gần 10 tuần qua, cuộc biểu dương lực lượng này của phe Hồi giáo ủng hộ ông Morsi không kéo theo các cuộc đụng độ bạo lực đường phố.
Cùng ngày, Ủy ban sửa đổi hiến pháp gồm 50 thành viên đại diện cho các lực lượng chính trị, tôn giáo và thành phần xã hội đã tiến hành bầu người đứng đầu 5 tiểu ban phụ trách các mảng xã hội và thông tin; quyền tự do và chính trị; hệ thống điều hành nhà nước; nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp; và soạn thảo. Dự kiến, các tiểu ban này sẽ có 3 tuần để đệ trình các đề xuất liên quan đến Hiến pháp.
Cũng trong ngày 10/9, các công tố viên tại tỉnh Beni Suef đã ra lệnh giam giữ 15 ngày đối với 10 thành viên của MB và 44 người khác bị tình nghi tham gia các vụ phá hoại trật tự công cộng, tấn công, phóng hỏa và cướp phá nhiều đồn cảnh sát tại thành phố Beni Suef, cũng như tại các thị trấn Semesta và Ihnasia. Ngoài ra, 10 thành viên của MB nói trên còn bị cáo buộc cướp và chôn cất tử thi của người biểu tình khi chưa được khám nghiệm hoặc có lệnh của thẩm phán.
Trong khi đó, cảnh sát tỉnh Minya đã bắt giữ 27 nghi can tham gia các vụ tấn công nhằm vào các đồn cảnh sát, trụ sở các cơ quan nhà nước và nhà thờ của người Cơ Đốc giáo. Ngoài ra, cảnh sát cũng thu hồi 16 khẩu súng bị những người biểu tình đánh cắp tại một số đồn cảnh sát trong các vụ bạo loạn nổ ra tại tỉnh này sau chiến dịch giải tán hai khu lán trại của những người ủng hộ ông Morsi tại Cairo và tỉnh Giza kế bên vào ngày 14/8 vừa qua.
Cùng ngày, trên 2.000 binh sỹ Ai Cập được trực thăng chiến đấu yểm trợ tiếp tục tấn công vào sào huyệt của các nhóm phiến quân Hồi giáo tại Bán đảo Sinai, tiêu diệt 9 tên và bắt sống 10 tên khác.
Trong một diễn biến khác, chính quyền lâm thời Ai Cập đã ra lệnh cấm 55.000 giáo sỹ không có giấy phép tổ chức cầu nguyện trong các nhà thờ Hồi giáo, động thái mới nhất nhằm vào những người có cảm tình với ông Morsi.
Theo Bộ trưởng Truyền giáo Ai Cập Mohamed Mokhtar Gomaa, việc các giáo sỹ không có giấy phép tham gia giảng đạo được xem là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Lệnh cấm này chủ yếu nhằm vào các nhà thờ nhỏ không có giấy phép hoạt động hoặc các khu vực cầu nguyện tự phát nhằm bảo vệ người dân khỏi các "tư tưởng cực đoan"./.
(TTXVN)