Hàng nghìn di tích văn hóa lịch sử Italy có nguy cơ bị hư hại

Ô nhiễm khí thải và những tác động từ môi trường như thời tiết xấu dẫn đến lở đất và lụt là những nguyên nhân chính dẫn đến việc ít nhất 45.000 di tích văn hóa và lịch sử ở Italy có nguy cơ hư hỏng.
Hàng nghìn di tích văn hóa lịch sử Italy có nguy cơ bị hư hại ảnh 1Pantheon, một công trình có gần 2 nghìn năm tuổi ở Rome, có nguy cơ bị lụt cao, do được xây dựng ở chỗ thấp hơn mặt đường hiện tại. (Nguồn: Corriere della Sera)

Ô nhiễm khí thải và những tác động từ môi trường như thời tiết xấu dẫn đến lở đất và lụt là những nguyên nhân chính dẫn đến việc ít nhất 45.000 di tích có giá trị văn hóa và lịch sử ở Italy có nguy cơ bị hư hại nặng.

Đó là con số ước tính mà Viện bảo vệ và nghiên cứu môi trường cấp cao của Italy (ISPRA) và Viện bảo tồn và trùng tu di sản Italy (ICR) đưa ra trong một cảnh báo đối với dư luận.

Được xây dựng và tập hợp số liệu dựa trên 15 năm nghiên cứu và thực tế bảo tồn di sản, báo cáo của hai viện này cho biết, 14.000 di tích của Italy có nguy cơ bị sạt lở và hơn 28.000 di tích khác có nguy cơ bị hư hại do ngập úng.

Chỉ riêng ở thủ đô Rome, một trong những nơi tập trung nhiều nhất các di sản văn hóa và lịch sử tầm cỡ thế giới, có tới hơn 3.000 di tích đang xuống cấp, với các hư hại ở nhiều mức độ ở mặt ngoài, chủ yếu là do ô nhiễm không khí do khí thải của xe có động cơ.

Trong số này, có tới 2.000 di tích trên 500 tuổi, nhiều trong số đó nằm ở trung tâm Rome, như quảng trường Navona, quảng trường Popolo hay đền Pantheon luôn đứng trước nguy cơ bị ngập lụt, vì nằm ở chỗ trũng.

Tại Florence, một thành phố có nhiều quần thể kiến trúc lớn, cũng có tới hơn 1.000 di tích có nguy cơ bị ngập.

ISPRA và ICR cũng chỉ ra rằng, trong những năm qua, số lượng các công trình cổ ở Italy bị sạt lở do tác động của thời tiết đang gia tăng, như một bức tường từ thời Trung Cổ ở thành phố Volterra ở miền Trung nước này, hay thành phố Civita Bagnoreggio, một di sản của UNESCO, nằm trong một khu vực địa chất yếu, cũng thường xuyên bị xói lở.

Theo hai Viện này, 10 năm qua đã chứng kiến tốc độ xuống cấp ngày càng nhanh chóng do thay đổi khí hậu. Ô nhiễm không khí do khí thải, đặc biệt là ở các thành phố lớn, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc mặt ngoài của các công trình kiến trúc được xếp hạng di tích văn hóa và lịch sử bị hư hại và xuống cấp.

Các nghiên cứu thí điểm của ISPRA và ICR ở thủ đô Rome, nơi các công trình chủ yếu có mặt ngoài bằng đá, cho thấy, mặc dù mức ô nhiễm không khí ở mức thấp, một số di tích khảo cổ và lịch sử cũng đã bị ảnh hưởng tiêu cực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục