Hàng ngàn máy ATM và máy thanh toán bằng thẻ điện tử ở Indonesia đã không hoạt động vào cuối tuần qua, và có thể phải mất thêm hai tuần nữa để khôi phục lại toàn bộ dịch vụ, sau sự cố mất kết nối dữ liệu từ một vệ tinh thuộc tập đoàn viễn thông do nhà nước kiểm soát PT Telecomasi Telekom Indonesia (Telkom).
Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 28/8, Giám đốc điều hành Telkom, ông Alex Sinaga cho biết có khoảng 15.000 điểm mặt ATM trên khắp Indonesia bị ảnh hưởng bởi sự cố vệ tinh Telkom-1, dịch vụ truyền dẫn dữ liệu được sử dụng bởi các cơ quan chính phủ, ngân hàng, hãng phát thanh truyền hình và các công ty khác.
Sự thay đổi hướng ăngten mặt đất, được cho là nguyên nhân làm gián đoạn kết nối của vệ tinh.
Ngân hàng Trung ương châu Á (BCA), ngân hàng lớn nhất Indonesia về giá trị thị trường, có khoảng 5.700 máy ATM bị ảnh hưởng bởi sự cố, chiếm tới 30% tổng số hoạt động giao dịch của ngân hàng. Kết nối Internet ở một số chi nhánh của BCA ở vùng xa cũng bị ảnh hưởng.
[Facebook, Instagram bị gián đoạn khiến cư dân mạng nháo nhác]
Ngân hàng Rakyat Indonesia cho biết khoảng 300 máy ATM của ngân hàng bị ảnh hưởng, nhưng một số ngân hàng đã được phục hồi.
Một số người mua sắm ở Jakarta cho biết các cửa hàng không thể xử lý thanh toán qua thẻ tín dụng bằng máy EDC (máy thu dữ liệu điện tử) vào cuối tuần qua, trong khi người dùng Twitter than phiền về một số máy ATM không hoạt động vào ngày 28/8.
Theo dữ liệu của ngân hàng trung ương Indonesia, ở nước này hiện có hơn 100.000 máy ATM.
"Ước tính của chúng tôi là vào ngày 10/9, tất cả (kết nối) 15.000 điểm ATM sẽ được phục hồi," ông Sinaga nói. Tính đến ngày 28/8, khoảng 17% các kết nối đã được phục hồi, bằng cách chuyển các kết nối đến các vệ tinh khác và điều chỉnh hướng của ăngten mặt đất.
Telkom đang chuyển đổi kết nối từ Telkom-1 sang hai vệ tinh khác cũng thuộc sở hữu của công ty và các vệ tinh khác thuộc sở hữu của các công ty nước ngoài.
Telkom-1, được phóng lên quỹ đạo Trái Đất vào năm 1999, có tuổi thọ thiết kế 15 năm, nhưng theo một cuộc khảo sát năm 2016 và tham khảo ý kiến của nhà sản xuất Lockheed Martin, nó có thể hoạt động bình thường đến năm 2019.
"Chúng tôi sẽ không loại trừ khả năng chúng tôi sẽ không còn sử dụng Telkom-1. Chúng tôi sẽ quyết định trong vài ngày tới," ông Sinaga cho biết.
Vệ tinh Telkom-1 chiếm 0,6% tổng doanh thu của Telkom./.