Hàng ngàn hộ dân 'khát,' nhà máy nước vẫn thi công ì ạch

Một vũng nước vỏn vẹn rộng khoảng 20m2, với vị trí sâu nhất gần 60cm, nhưng được xem như là "ao làng" của 70 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu người đồng bào Cơ Tu ở thôn 6, xã Hương Hữu, Thừa Thiên-Huế.
Hàng ngàn hộ dân 'khát,' nhà máy nước vẫn thi công ì ạch ảnh 1Người dân xã Hương Hữu, huyện Nam Đông sử dụng một nguồn nước duy nhất để nấu ăn và tắm rửa. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân ở 5 xã vùng cao của huyện miền núi Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đang phải sống "chật vật" hàng ngày do thiếu nguồn nước sạch để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu, nhất là vào thời điểm mùa khô.

Trong khi đó, Dự án xây dựng Nhà máy nước sạch Thượng Long được khởi công từ cuối năm 2020, với mục tiêu đảm bảo nguồn nước sạch cho bà con nơi đây vẫn đang thi công ì ạch, chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Cả thôn dùng chung một... vũng nước

Dưới cái nắng gay gắt của mùa Hè, nhiều sông, suối trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông đã hạ thấp mực nước tới mức gần như trơ đáy, lộ ra những bãi đá sỏi lởm chởm ở hai ven bờ.

Từ sáng sớm, đám trẻ nhỏ ở thôn 6, xã Hương Hữu rủ nhau khiêng những chậu quần áo nặng trịch, xuyên qua cánh rừng keo tới một vũng nước để giặt giũ, tắm rửa tại đây.

Vũng nước này chỉ vọn vẹn khoảng 20m2, với vị trí sâu nhất chỉ gần 60cm, nhưng được xem như là "ao làng" của 70 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu người đồng bào Cơ Tu ở thôn 6, xã Hương Hữu.

[Trời nắng nóng, nhiều hộ dân ở Sơn La chật vật vì thiếu nước sạch]

Tại vị trí này có một tảng đá vôi bao bọc một mạch nước ngầm tự nhiên cung cấp nguồn nước ăn uống, sinh hoạt tắm giặt hàng ngày cho người dân ở đây.

Càng về trưa, lượng người đổ về vũng nước này ngày một đông hơn. Vừa ra thăm rẫy trở về, bỏ chiếc gùi trên vai xuống cạnh mỏm đá, bà Phạm Thị Thanh cùng một số người dân tranh thủ rửa chân tay lấm lem đất cát và không quên xách thêm một can nước tại đây về để đun nấu.

Bà Phạm Thị Thanh chia sẻ cả thôn 6 có mỗi một vũng nước này được xem là "sạch nhất" nên từ người già cho đến trẻ nhỏ đều ra đây tắm giặt, lấy nước về sinh hoạt hàng ngày.

Mặc dù rất bất tiện nhưng người dân trong thôn không có lựa chọn nào khác. Có thời điểm nắng nóng liên tục kéo dài, vũng nước thu hẹp dần, các hộ dân phải chia nhau lấy từng can nước mang về, nếu tắm cùng lúc 10 người tại đây là hết nước ngay.

Những lúc như vậy, bà con lại phải chạy xe máy lên xã Thượng Long cách đó vài km chở nước về sinh hoạt để cầm cự được qua những ngày khô hạn.

Hàng ngàn hộ dân 'khát,' nhà máy nước vẫn thi công ì ạch ảnh 2Người dân xã Hương Hữu, huyện Nam Đông phải đi lấy nước từ các nguồn nước không đảm bảo để sử dụng. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Mặc dù, đây là nguồn nước chính sinh hoạt của hàng trăm con người nhưng ngay bên cạnh vũng nước lại là một bãi rác thải của chính người dân địa phương

Theo ông Hồ Văn Nối, ở thôn 6, xã Hương Hữu, bà con trong thôn cũng không để ý nhiều đến chất lượng thực sự của nguồn nước, nhìn bằng mắt thấy nước trong là yên tâm.

Khi múc nước tại đây về nhà, bà con thường không lọc lại mà để vậy đun sôi uống nên dưới đáy ấm thường xuất hiện lớp nước đục như màu nước vôi hòa tan khoảng 5-6cm.

Mấy năm gần đây, nhiều người trong thôn đã bị mắc bệnh sỏi thận, nghi do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh. Chính vì vậy, bà con ở đây tha thiết mong muốn sớm có nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh được kéo về tới tận từng hộ gia đình để sử dụng nhằm đảm bảo sức khỏe, thuận lợi cho sinh hoạt hàng ngày.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vũng nước sinh hoạt ở thôn 6 cũng chính là "thượng nguồn" tạo thành con suối nhỏ chạy qua thôn 5, đổ về thôn 7 của xã Hương Hữu ở phía dưới và tiếp tục được hàng trăm hộ dân ở đó sử dụng để ăn uống, tắm giặt.

Đặc biệt, ở thôn 7, xã Hương Hữu, nguồn nước này còn bị ô nhiễm nặng nề hơn khi người dân chăn thả trâu, bò ở khu vực con suối.

Nhà máy nước thi công chậm như "rùa bò"

Dự án xây dựng Nhà máy nước sạch Thượng Long được khởi công từ tháng 10/2020, do Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên-Huế làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng, gồm các hạng mục như đập dâng nước khe A Ki, tuyến ống nước dài hàng nghìn mét, khu xử lý nước sạch công suất 2.000 m3/ngày đêm, bể chứa 1.500m3, bể chứa 100m3, hồ lắng bùn, nhà điều hành và các hạng mục phụ trợ khác.

Hiện nay, tại vị trí xây dựng Nhà máy nước sạch Thượng Long trên địa bàn xã Thượng Long, huyện Nam Đông hiện mới chỉ thi công được một số hạng mục dở dang và có rất ít thợ làm việc tại công trình này.

Theo một công nhân tại đây cho biết hiện nhà điều hành mới xây dựng được khoảng 30%, bể chứa 100m3 thi công đạt 50%, đáy bể lọc hoàn thành chỉ khoảng 2-3%, hệ thống đường ống dẫn nước chưa hoàn thành việc khớp nối, nhiều hạng mục khác chưa được xây dựng.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Nam Đông, 5 xã vùng cao của huyện bao gồm Thượng Nhật, Thượng Long, Thượng Quảng, Hương Xuân, Hương Hữu với 3.800 hộ dân hiện có nhu cầu sử dụng nước sạch.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Đông Lê Thanh Hồ cho biết nhiều năm qua, lãnh đạo chính quyền và nhân dân các xã vùng cao của huyện rất trông chờ có được nguồn nước sạch để phục vụ sinh hoạt, cải thiện chất lượng cuộc sống của bà con.

Năm 2020, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quyết định đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý nước sạch trên địa bàn xã Thượng Long với kế hoạch ban đầu đưa vào sử dụng trong tháng 9/2021 trong niềm vui, phấn khởi của người dân. Tuy nhiên đến nay, tiến độ thi công xây dựng nhà máy quá chậm, không thể hoàn thành đưa vào khai thác theo đúng tiến độ đề ra.

Tại xã Thượng Long, Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên-Huế mới đây đã lắp đặt một trạm xử lý nước cơ động trong thời gian chờ nhà máy nước hoàn thành, để cung cấp nước tạm thời cho người dân. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 70/724 hộ dân của xã Thượng Long được đấu nối đường ống dẫn nước vào nhà.

Nguyên nhân của tình trạng này là thiếu sự phối hợp giữa Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên-Huế với chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền, thống kê nhu cầu cấp thiết của các hộ dân cần sử dụng nước sạch để lắp đặt đường ống.

Nhà máy nước sạch Thượng Long lấy nguồn nước từ đập ngăn trên suối A Ki, với sự chênh lệch độ cao tạo áp suất lớn đưa nước về nhà máy nên tiết kiệm được nguồn điện năng trong quá trình vận hành.

Hiện nay, giá nước sạch sinh hoạt đối với khu vực miền núi ở huyện Nam Đông là 8.400 đồng/m3, so với mặt bằng thu nhập chung của người dân ở đây là khá cao.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Đông Lê Thanh Hồ, qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân một số xã có kiến nghị về giá nước áp dụng hiện nay ở khu vực miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số là khá cao.

Một gia đình bình quân khoảng có 5-6 nhân khẩu, nếu không sử dụng nước tiết kiệm sẽ mất khoảng 200.000-250.000 đồng/tháng, mức giá này khá cao, gây khó khăn trong việc tiếp cận được với nguồn nước sạch của bà con. Do vậy, Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên-Huế cần có tính toán phù hợp để hạ thấp giá bán nước đến người dân.

Trước nhu cầu cấp thiết về nước sạch hiện nay của hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện Nam Đông, Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên-Huế cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa nhà máy vào hoạt động, qua đó giải quyết vấn đề "khát" nước sạch nhiều năm qua tại đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục