Hàng ngàn du khách về Lào Cai dự Lễ hội đền Bảo Hà

Lễ hội là dịp để nhân dân và du khách thập phương về dâng hương, ngưỡng vọng và tưởng nhớ Đức Thánh Hoàng Bảy - người có công dẹp giặc phương Bắc, trấn giữ biên cương.

Đánh trống khai hội Đền Bảo Hà 2024. (Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN)
Đánh trống khai hội Đền Bảo Hà 2024. (Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN)

Sáng 20/8, Lễ hội đền Bảo Hà đã chính thức khai hội tại xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, thu hút hàng ngàn du khách đến từ mọi miền đất nước về tham dự.

Lễ hội là dịp để nhân dân và du khách thập phương về dâng hương, ngưỡng vọng và tưởng nhớ Đức Thánh Hoàng Bảy - người có công dẹp giặc phương Bắc, trấn giữ biên cương.

Các hoạt động Lễ hội đền Bảo Hà 2024 diễn ra từ ngày 4-20/8 với các hoạt động tâm linh như Hầu khai hội (ngày 4/8); Lễ cầu an, thả đèn hoa đăng; Lễ cúng khao quân; Lễ rước kiệu; Lễ chính đền (từ 8 giờ ngày 20/8); Lễ dâng hương.

Lễ hội đền Bảo Hà năm nay được tổ chức 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng, hoành tráng với màn múa lân-sư-rồng đẹp mắt; cùng các hoạt động tâm linh như Hầu khai hội (ngày 4/8); Lễ cầu an, thả đèn hoa đăng; Lễ cúng khao quân; Lễ rước kiệu; Lễ chính đền (từ 8 giờ ngày 20/8); Lễ dâng hương.

ttxvn-bao ha2.jpg
Lễ tế tại Lễ hội Đền Bảo Hà 2024. (Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN)

Sau phần lễ là phần hội với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như Giải bóng đá cúp đền Bảo Hà, xã Bảo Hà lần thứ 3; giao lưu bóng chuyền hơi xã Bảo Hà năm 2024; Cuộc thi làm Ngựa mã và không gian tổ chức các môn thể thao, trò chơi dân gian truyền thống…; Hội chợ thương mại và quảng bá sản phẩm nông, lâm nghiệp địa phương năm 2024.

Đền Bảo Hà (xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) được xếp hạng Khu di tích lịch sử-văn hóa quốc gia từ năm 1997. Lễ hội truyền thống đền Bảo Hà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2016.

Lễ hội đền Bảo Hà góp phần tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đến du khách thập phương về các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Bảo Yên; kích cầu du lịch, tạo thương hiệu cho du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng của địa phương.

Tương truyền vào cuối đời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng 1740-1768) khắp vùng Quy Hóa, nhất là châu Thủy Vĩ và châu Văn Bàn luôn bị giặc phương Bắc tràn sang cướp phá.

Trước tình hình đó, triều đình cử vị tướng thứ Bảy họ Nguyễn lên trấn thủ vùng biên ải, đánh đuổi quân giặc, giải phóng châu Văn Bàn, Thủy Vĩ, củng cố và xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Sau này, trong một trận chiến không cân sức, ông đã anh dũng hi sinh vào ngày 17/7 Âm lịch.

ttxvn-bao ha3.jpg
Cuộc thi làm Ngựa mã tại Lễ hội Đền Bảo Hà 2024. (Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN)

Khi ông bị giặc sát hại thì bầu trời gió mây vần vũ, kết lại thành hình thần mã, từ thi thể ông phát ra một đạo hào quang. Thi thể ông xuôi theo sông Hồng trôi đến địa phận Bảo Hà thì dừng lại, bầu trời bỗng quang đãng, mây ngũ sắc kết hình tứ linh chầu hộ. Nhân dân vùng đất Bảo Hà thương tiếc đưa xác ông lên chôn cất và lập miếu thờ và từ đó đến nay, đền Bảo Hà là nơi thờ chính danh tướng Hoàng Bảy.

Các triều vua Minh Mệnh, Thiệu Trị đã tặng ông danh hiệu “Trấn an hiển liệt." Các triều vua nhà Nguyễn, ông được sắc phong là “Thần vệ quốc”và Nhân dân tôn sùng ông, tôn ông là là Đức Thánh Hoàng Bảy, 1 trong 10 vị tướng quân của Vua cha Bát Hải Động Đình giáng trần./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục