Phóng viên TTXVN tại Malaysia dẫn công bố của hãng Moody’s cho rằng Malaysia sẽ là nước hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Moody’s cho hay theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), sở dĩ có kết luận như trên là vì tác động thu nhập thực tế từ CPTPP lên Malaysia là lớn nhất trong số các nước.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế này còn cho biết thêm, thỏa thuận thương mại nói trên sẽ mang đến cho Malaysia cơ hội xuất khẩu vào những thị trường mới như Canada, Peru và Mexico, qua đó đem lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu dầu cọ, cao su và điện tử Malaysia.
Còn đối với tất cả các thành viên khác của CPTPP, Moody’s cho rằng hiệp định này sẽ tăng cường xuất khẩu và thu nhập, đồng thời giúp duy trì các nỗ lực cải cách ở một số nước.
Tuy nhiên, những gì mà các nước thu được từ CPTPP sẽ nhỏ hơn nhiều khi thiếu đi sự tham gia của Mỹ.
Moody’s dẫn số liệu của PIIE cho hay, CPTPP sẽ tạo ra một lượng thu nhập thực tế trị giá khoảng 157 tỷ USD cho các nước thành viên, thấp hơn nhiều so với con số 465 tỷ USD có được từ hiệp định TPP ban đầu có sự tham gia của Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, báo New Straits Times của Malaysia bình luận với việc tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Malaysia đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ của mình về việc cam kết hướng đến một nền thương mại mở cửa và tự do.
Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mustapa Mohamed ngày 9/3 cho hay những bước đi cần thiết để sửa đổi các luật liên quan, nhằm hoàn thiện tiến trình phê chuẩn và cho phép thực hiện CPTPP sớm nhất có thể, đã được bắt đầu.
Ông nhấn mạnh những gì mà thế giới cần lúc này là có thêm nhiều dòng thương mại và đầu tư, chứ không phải những thị trường bị hạn chế.
Bộ trưởng Mustapa bày tỏ tin tưởng CPTPP sẽ giúp các nước tiếp tục thúc đẩy thương mại và đầu tư, giảm bớt những thách thức của môi trường kinh tế toàn cầu.
Ông Mustapha cũng cho biết là một trong những nước đầu tiên đàm phán thành công thỏa thuận, Malaysia không thể để lỡ cơ hội gặt hái những lợi ích mà thỏa thuận mang lại.
Bên cạnh đó, Malaysia cũng cần phải tăng cường các nỗ lực nhằm hoàn thiện quá trình phê chuẩn CPTPP.
[Mega Story] CPTPP - cơ hội và thách thức cho Việt Nam]
Bất chấp việc không có sự tham gia của Mỹ, Bộ trưởng Mustapa tin tưởng rằng Malaysia vẫn có thể hưởng lợi lớn từ CPTPP do được tiếp cận với những thị trường mà nước này hiện không có các thỏa thuận thương mại ưu đãi, như Canada, Peru và Mexico.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Mustapa, tham gia CPTPP còn giúp Malaysia nâng cao khả năng quản trị trong một số lĩnh vực kinh tế, củng cố hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên và tăng cường tiếp nhận các tiêu chuẩn quốc tế.
Bộ trưởng Mustapa cũng cho rằng, CPTPP sẽ giúp các doanh nghiệp Malaysia mở rộng sự hiện diện của mình ra bên ngoài biên giới đất nước, cũng như củng cố vị thế của Malaysia là một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới về đầu tư. Bên cạnh đó, người dân Malaysia sẽ có thêm nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ.
Cũng theo báo New Straits Times, đa số các doanh nghiệp tại Malaysia tin rằng CPTPP sẽ có tác động tích cực đến công việc kinh doanh của họ.
Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng HSBC, có đến 63% doanh nghiệp Malaysia được hỏi kỳ vọng vào những tác động tích cự từ CPTPP trong vòng 2 năm tới.
Ông Andrew Sill, Trưởng bộ phận Thương mại của HSBC Malaysia, cho rằng CPTPP là một thỏa thuận lớn đầy tham vọng đối với Malaysia, ảnh hưởng sâu rộng đến tương lại, công ăn việc làm và tiêu chuẩn sống của nước này.
Theo ông, hiện là lúc các doanh nghiệp và Chính phủ Malaysia tập trung vào việc thực hiện thỏa thuận nhằm tối đa hóa lợi ích tiềm tàng mà thỏa thuận mang lại.
Khảo sát của HSBC được thực hiện tại 6 trong số 11 nước tham gia ký kết CPTPP, gồm Australia, Canada, Malaysia, Mexico, Singapore và Việt Nam. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trong số tổng cộng 1.150 doanh nghiệp được hỏi, có đến gần một nửa (46%) kỳ vọng có được những lợi ích tích cực từ thỏa thuận nói trên./.