Thực tế ảo (VR) dường như đang nhận được sự quan tâm mạnh ở Hàn Quốc, vì có khá nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này xuất hiện tại hội chợ triển lãm G-Fair 2019. Nổi bật trong số đó là Broken Brain.
Đây là một công ty khởi nghiệp về trình diễn nghệ thuật thực tế ảo, trong đó nghệ sĩ trực tiếp sáng tác tác phẩm trên không gian ảo, trước sự chứng kiến của khán giả. Hoạt động trình diễn, cùng với âm nhạc và được thể hiện trên nền màn hình lớn, gây ấn tượng mạnh về thị giác, cho phép nghệ sĩ chuyển tải chính xác thông điệp mong muốn gửi gắm tới khán giả.
Broken Brain đã tạo được danh tiếng nhất định sau khi tham gia Olympic mùa Đông Pyeongchang trong vai trò sản xuất và phân phối nội dung, video trình diễn nghệ thuật VR. Sung Dong Hyo, Tổng giám đốc điều hành Broken Brain tham dự G-Fair năm nay, chia sẻ: “Chúng tôi đang phá vỡ khuôn mẫu cũ và đặt mục tiêu trở thành một công ty chuyên sản xuất nội dung sáng tạo.”
Một doanh nghiệp nổi bật khác về VR cũng góp mặt là 4TheVision. Công ty gây chú ý khi đặt mục tiêu biến những trải nghiệm VR trở nên “thực hơn cả thực.”
Công ty đang nghiên cứu triển khai sản phẩm trên 5 lĩnh vực, gồm điều khiển qua hình ảnh VR, mô phỏng kiểm soát thiết bị, hỗ trợ các công việc UI/UX trên không gian ảo, tư vấn sản xuất nội dung VR, tạo ứng dụng VR.
Các sản phẩm nổi bật của công ty có VR Karaoke, phần mềm cho phép người hát karaoke chọn không gian nơi họ đứng hát và trải nghiệm chúng qua kính thực tế ảo. Phần mềm này cho phép người dùng trở thành ngôi sao trên sân khấu hoặc đơn giản là đang nhẩn nha hát bên dòng suối vắng một mình, tùy theo lựa chọn của mỗi cá nhân.
Công ty còn có các ứng dụng cửa hàng ảo, trong đó khách có thể tham quan, lựa chọn, ngắm, dùng thử và mua sắm hàng hóa của một công ty trên không gian ảo thay vì phải tới tận nơi. VR còn được công ty áp dụng trong lĩnh vực văn hóa, cho phép người dùng đóng vai khán giả thưởng thức các loại hình âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc mà không cần phải tới nhà hát. Mô hình ứng dụng này có thể nhân rộng ra nhiều loại hình sản phẩm văn hóa khác.
Ngoài ra G-Fair 2019 còn có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp nổi bật khác. C&G, công ty sản xuất thiết bị trợ thính đặc biệt với kỹ thuật dẫn âm qua xương, đã lần đầu tham gia hội chợ triển lãm năm nay. Công ty tham gia trưng bày tại khu Sáng tạo (Eureka), vốn tập trung nhiều doanh nghiệp startup hoặc chuyên tìm tòi phát triển yếu tố mới lạ, để quảng bá thiết bị trợ thính tiên tiến của mình.
Các thiết bị trợ thính thông thường sử dụng phương thức truyền âm thanh qua không khí và kích thích trực tiếp tới màng nhĩ. Tuy nhiên việc này có thể gây mệt mỏi nếu sử dụng trong thời gian dài. Thậm chí chúng có khả năng làm hỏng hoàn toàn thính lực của người dùng trong một số tình huống.
Trong khi đó, thiết bị của C&G có khả năng khuếch đại âm thanh và truyền âm qua xương sọ tới dây thần kinh xử lý tín hiệu âm thanh. Kỹ thuật này khiến những người không còn màng nhĩ hoặc có thính lực yếu vẫn nghe được tiếng của người khác.
“Chúng tôi nghiên cứu phương thức truyền âm qua xương suốt hơn 15 năm qua và đã trải qua nhiều thành công cũng như thất bại," Baek Joseph, lãnh đạo nhóm nghiên cứu phát triển sản phẩm cho biết. “Chúng tôi sẽ tiếp tục việc nghiên cứu và phát triển. Chúng tôi cũng đang xem xét việc đăng ký sản phẩm là thiết bị y học ở Hàn Quốc, cũng như ở hải ngoại trong thời gian ngắn tới đây."
C&G cho biết thiết bị có khả năng loại bỏ nhiễu tạp âm từ môi trường bên ngoài, giúp người dùng có thể nghe rõ lời nói của người đối thoại. Thiết bị rất nhỏ gọn, đủ để nằm vừa lòng bàn tay. Khi đeo lên tai, thiết bị khiến người sử dụng không thể cảm nhận được sự hiện diện, bởi nó quá nhỏ gọn. Ngoài ra, thiết bị được thiết kế đặc biệt để người dùng có thể sử dụng liên tục mà không gặp trở ngại, bởi chỉ cần sạc vài tiếng họ đã có thể sử dụng trong suốt 12 giờ đồng hồ liên tục.
Ngoài phương pháp truyền âm độc đáo, sản phẩm của C&G còn có giá rất phải chăng, chỉ bằng một phần nhỏ của đối thủ như lời của ông Baek. Điều đặc biệt là công ty mong muốn sẽ đưa sản phẩm tới Việt Nam để phục vụ khách hàng là người cao tuổi hoặc người khiếm thính.
Ở lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao, công ty hệ thống an ninh mang tên The Coder đã trình diễn sản phẩm là cách thức mã hóa tiên tiến để bảo vệ nhiều loại hàng khác nhau. Công ty sử dụng kỹ thuật vi chấm (micro dot) để tích hợp thông tin an ninh lên các sản phẩm như áo phông, loa thông minh, công cụ giáo dục...
Người ta có thể bố trí các vi chấm ở vị trí tùy thích. Khi sử dụng ứng dụng riêng do công ty sản xuất quét lên các vi chấm này, những thông tin an ninh về sản phẩm mới hiện lên, ví dụ thông tin về ngày sản xuất, nơi sản xuất, chất liệu hàng hóa và nó có phải là đồ chính hãng hay hàng nhái.
Hình thức sử dụng vi chấm này có độ bảo mật cao hơn nhiều các hình thức khác, bởi các vi chấm hoàn toàn vô hình trước mắt thường nên sẽ rất khó để sao chép và làm giả. Công ty đã có kế hoạch mở rộng mảng an ninh và bảo mật bằng vi chấm ra ngoài nhiều thị trường ở trong nước và nước ngoài, bao gồm việc đưa vi chấm lên mẫu đồng phục số 7 của đội bóng Real Madrid lừng danh.
Kim Eun-hee, lãnh đạo bộ phận tiếp thị của công ty và đã tham dự G-Fair lần này cho biết công ty hiện mới cung cấp dịch vụ theo hình thức B2B (giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp), nhưng đã có kế hoạch mở rộng ra thêm.
Trong khi đó, công ty Melephant gây chú ý với các dịch vụ dựa trên công nghệ blockchain. Công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ trọn gói dành cho những nhà sáng tạo. Theo ông Park Jeah wan, đại diện của Melephant ở G-Fair, các nghệ sĩ thường không quan tâm hoặc không biết cách xử lý ra sao trong những vấn đề như ký hợp đồng, quản lý tài chính hoặc thuế. Vì thế họ sẽ dễ gặp vấn đề và thiệt hại khi có chuyện xảy ra.
Park cho biết tất cả các nhà sáng tạo, gồm người ảnh hưởng (influencer), nhạc sĩ trình diễn trên YouTube... đều có thể sử dụng dịch vụ của Melephant rất thuận tiện. "Phần lớn các nhà sáng tạo chỉ muốn tập trung cho chuyên môn của họ, nhưng chẳng bao giờ tránh khỏi việc phải giải quyết sự cố phát sinh. Giờ đây với Melephant, các bạn đã có thể toàn tâm toàn ý cho công việc," Park nói.
Trong lĩnh vực này, vốn có thị trường nội địa trị giá 800 tỷ won và thị trường hải ngoại ước tính lên tới 15.000 tỷ won, Melephant có mức phí thấp nhất với các thành viên. Đây là một lợi thế, nhất là với các nhà sáng tạo mới khởi nghiệp và chưa có nhiều tiền
Có một tin tốt lành dành cho những người hay đeo kính áp tròng, nhưng lại có đôi mắt quá nhỏ hoặc lông mi rủ. Công ty Lensware đã có kế hoạch tung ra một gói sản phẩm sẽ hỗ trợ rất tốt những ai thích kính áp tròng.
giúp bất kỳ ai đang dùng kính áp tròng có thể đeo chúng một cách dễ dàng.
Lee Jae-kyung, người mới tốt nghiệp đại học và tạo dựng công ty trên với vốn từ Quỹ đầu tư Đại học quốc gia Kangwon, cho biết: “Việc dùng tay để đeo kính áp tròng gây mất vệ sinh và bất tiện. Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề này nên đã lên ý tưởng đồng thời tiến hành hàng loạt thử nghiệm, đánh giá để cho ra đời sản phẩm."
Ngoài thiết bị hỗ trợ đeo và lấy kính áp tròng ra khỏi mắt nhanh, bộ đồ của Lenswear còn có hộp đựng kính áp tròng tiện dụng, dung dịch khử trùng và hộp chứa tất cả những món đồ này được trang bị đèn cực tím khử trùng.
Trong lĩnh vực ăn uống, công ty khởi nghiệp Danmee Food gây chú ý với sản phẩm chủ đạo là các miếng phô mai được làm từ hoa quả. Các loại phô mai của công ty được làm từ kem phô mai và tinh cốt hoa quả, được ép thành các viên nhỏ để sử dụng rất tiện lợi.
Bình thường các viên phô mai có thể được bảo quản trong điều kiện đông lạnh. Khi cần sử dụng như phô mai bình thường, người ta chỉ cần để chúng ra ở nhiệt độ phòng. Viên phô mai này cũng có thể pha với sữa để uống, sẽ cho vị rất ngon.
Rainbow Cube Mix, sản phẩm hàng đầu của Danmi Food, là sự kết hợp của khoảng 40 loại tinh cốt hoa quả và phô mai, gồm dâu tây, chuối, xoài, dâu, dưa bở... Công ty hiện đang bán hàng qua mạng dưới nhiều hình thức đóng gói. Hàng này đã xuất hiện tại một số cửa hàng tạp hóa như E-Mart 24, đã được xuất khẩu tới Hong Kong, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và sắp sửa tiến vào Nhật Bản.
Cà phê pha lạnh hiện là xu hướng mới lạ trên thế giới, trong đó cà phê không được pha bằng nước nóng mà dùng nước lạnh. Kết quả là thời gian để có một ly cà phê lạnh uống sẽ kéo dài rất lâu. Nhằm khắc phục điều này, công ty N2Falls đã cho ra bộ sản phẩm cà phê lạnh siêu nhanh. Cà phê pha lạnh của công ty N2Falls bao gồm bột cà phê nguyên chất và nước được đổ vào trong các ống chứa, được bơm kèm khí nitơ. Nước cà phê kem (espresso) được đẩy ra ngoài bằng áp lực khí ni tơ, với kết quả là lượng espresso thu được nhiều gấp đôi bình thường. Và cà phê sẽ có nhiệt độ dưới 18 độ C.
Pha chế cà phê rất đơn giản. Người dùng chỉ cần chuẩn bị 180ml nước đổ vào trong một cái cốc. Để một đế trích xuất bán kèm theo gói pha chế lên cái cốc. Đặt ống chứa cà phê vào đúng vị trí và nhẹ nhàng nhấn để cà phê lỏng rơi vào trong cốc. Nước cà phê dưới áp lực của khí ni tơ sẽ phụt vào cốc, với hương vị thơm tho ngào ngạt và một lớp kem đặc trưng của cà phê espresso.
Ngoài cà phê, công ty còn đang nghiên cứu sản xuất các loại đồ uống lạnh nhanh khác với cùng phương thức tương tự. Cụ thể, công ty sẽ có các ống pha chế chanh, dâu, cherry... với khả năng tạo ra các cốc đồ uống lạnh nhanh trong 10 giây như cà phê.
Ở lĩnh vực làm đẹp, Myeongtech, một công ty trong lĩnh vực điện tử đã quyết định tự làm một sản phẩm dưỡng ẩm da bằng công nghệ do họ tự nghiên cứu ra. Cụ thể, công ty đã sản xuất H2Liang, một dòng máy làm ẩm da bằng cách phân tách nước và biến nó thành hơi đậm đặc khí hydro.
Trong khi các thiết bị làm ẩm da khác thường gây nhiều vấn đề như đọng nước khi sử dụng ngoài trời, máy H2Liang lại không bị như thế và người ta có thể sử dụng nó ở khắp nơi. Các sản phẩm hiện nay chỉ có tác dụng làm ẩm trong 30 phút nhưng Eturian lại có khả năng làm ẩm sâu, kéo dài tới 8 giờ đồng hồ.
Ngoài tác dụng làm ẩm da, khí hydro trong sản phẩm được cho là có khả năng diệt khuẩn và virus sống trên bề mặt da, qua đó giúp da không bị thâm, nám. Da được dưỡng ẩm bằng hỗn hợp khí hydro sẽ tắng sáng hơn. Ngoài ra, vỏ máy Eturian được làm bằng vật liệu vẫn được sử dụng để sản xuất các bình sữa dành cho trẻ em, qua đó người dùng hoàn toàn yên tâm sản phẩm không có độc.
G-Fair 2019 được tổ chức tại Trung tâm triển lãm Kintex ở thành phố Goyang, tỉnh Gyeonggi, từ ngày 31/10 tới ngày 3/11. Hội chợ có sự tham gia của 850 công ty, trên 1200 gian hàng. Được biết có tới 880 người mua đến từ hải ngoại đã tham gia hội chợ G-Fair 2019. Các cuộc tiếp xúc giữa họ với nhiều đơn vị triển lãm hàng tại hội chợ đã mang lại cơ hội ký kết nhiều hợp đồng kinh tế trị giá 2,45 tỷ USD./.