Vụ việc 2 cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa bị bắt mới đây với cáo buộc sai phạm liên quan đến đất đai hay việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020, Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 và các cá nhân liên quan. Điều này thể hiện việc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công tác chống tiêu cực liên quan đến đất đai, qua đó lấy lại niềm tin trong nhân dân.
Dù vậy, từ hàng loạt vụ việc cán bộ cấp cao lâm vào cảnh tù tội vì đất đã xảy ra trong thời gian qua cũng đặt ra nhiều điều phải suy ngẫm, như hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi cần phải sửa đổi Luật Đất đai với những quy định chặt chẽ hơn - như là chiếc “vòng kim cô” để khắc chế lòng tham của những cán bộ có chức có quyền lợi dụng “quyền” của mình để trục lợi đất đai.
Vì đất nên nỗi…tù tội
Tại cuộc chia sẻ với báo chí, trong đó có phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ngay trong phòng họp long trọng của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhân dịp đầu Xuân năm mới 2021, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã thẳng thắn bảy tỏ tâm tư của mình khi cho rằng đất đai là một trong những vấn đề mà người dân, doanh nghiệp rất quan tâm trong nhiệm kỳ 2016-2020 vừa qua. Đây cũng là điều mà ông trăn trở.
Do đó, bằng các Nghị định của Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, tháo gỡ các khó khăn để “giải phóng” nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Trần Hồng Hà, điều này “mới chỉ làm được một phần” và thực tế vẫn còn những vấn đề đáng lưu ý như khiếu kiện, thất thoát đất đai, lợi dụng các chính sách chưa chặt chẽ để tham ô, tham nhũng…
[Kiểm kê đất đai năm 2019: Sau hơn 1 năm đo đạc, Bộ TN-MT nói gì?]
Đúng như lời ông Hà chia sẻ ở trên sau 1 nhiệm kỳ giữ vai trò là “tư lệnh ngành,” thực tế thời gian qua cho thấy đất đai vẫn được xem như một "nguồn lực béo bở" để thu hút đầu tư phát triển, song cũng dễ nảy sinh ra vô số “cạm bẫy” khiến nhiều người, đặc biệt là những người đang là cán bộ, từ địa phương tới Trung ương mắc sai lầm.
Chỉ cần gõ ba cụm từ khóa là “đất đai, xử lý vi phạm, khởi tố” vào Google, trong vòng 0,71 giây đã cho ra hơn 4,6 triệu kết quả. Trong số đó, có rất nhiều lãnh đạo, cựu lãnh đạo từ bộ, ngành, tỉnh xuống tới các địa phương cấp quận, huyện, xã và cả doanh nghiệp đã nằm trong danh sách bị xử lý kỷ luật, khởi tố, bắt tạm giam…
Mới đây nhất là vụ Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, ông Trần Văn Nam, không được xác nhận tư cách Đại biểu Quốc hội Khoá XV, vì kết luận ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai.
Đặc biệt, tại kỳ họp thứ tư diễn ra từ 14-16/6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xác định ông Trần Văn Nam hiện là Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương chịu trách nhiệm trực tiếp khi giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ký văn bản áp dụng giá đất tính thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; thực hiện trái chủ trương về phương án sử dụng 43ha đất tại Tổng Công ty 3/2 (dự án Khu đô thị Tân Phú); hợp thức việc chuyển nhượng trái phép dự án Tân Phú cho tư nhân; để Tổng Công ty 3/2 đưa 145ha đất góp vốn vào Công ty Tân Thành trái pháp luật (sân golf Harmonie Golf Park).
Cũng trong tháng 6/2021, Công an tỉnh Khánh Hòa đã tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ 2011-2016; ông Lê Đức Vinh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2015-2020, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; ông Lê Mộng Điệp, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai theo Điều 229 Bộ Luật Hình sự.
Trước đó, nhiều vụ vi phạm về đất đai bị điều tra, xét xử mà người phạm tội là quan chức như cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, các cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành, các cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến, cựu Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài...
Cần sớm sửa đổi Luật Đất đai
Theo giới chuyên gia đất đai, nguồn cơn sâu xa của hiện tượng tham nhũng đất đai trên đến từ việc tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, giá trị bất động sản tăng nhanh đến chóng mặt đã là cơ hội để cho những “liên minh” cá nhân - doanh nghiệp - cán bộ “dàn trận” thực hiện những kế hoạch thâu tóm đất công ở vị trí đắc địa.
Phần lớn những vụ việc vi phạm, gây thất thoát đất đai đều có chung mô típ là quan chức tiếp tay, chuyển nhượng hoặc giao đất theo hình thức chỉ định nhà đầu tư thân hữu với giá “siêu ưu đãi” hay những sai phạm “khủng” liên quan đến việc “hô biến” đất vàng thành dự án tư lợi tại các địa phương. Tất cả đã được dàn trận khiến cho hàng loạt cán bộ cấp cao lâm vào cảnh “hạ cánh không an toàn.”
Đáng nói hơn là chính những quyết định của các “liên minh công - tư - doanh” giữa cán bộ công chức, cá nhân, doanh nghiệp đã làm “xói mòn” lòng tin của người dân vào chính sách đất đai, sự công bằng và tôn nghiêm của pháp luật.
Chia sẻ về câu chuyện này, Giáo sư tiến sỹ khoa học Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cơ chế quản lý sử dụng đất đai hiện nay cũng có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến những sai phạm liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu. Chẳng hạn như bảng và khung giá đất nhà nước và các địa phương quy định thường thấp hơn so với giá thị trường cũng như các cơ chế quản lý về đấu giá, đấu thầu, đưa đất công sản vào thị trường cũng có không ít tồn tại... đã vô tình mở ra cơ hội cám dỗ những cá nhân được tập trung quyền lực.
Nhìn ở khía cạnh công tác chống tham nhũng, việc xử lý (kỷ luật, khởi tố, bắt tạm giam) nêu trên đã cho thấy quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật, qua đó đem lại niềm tin cho nhân dân rằng những vi phạm, sai phạm sẽ được xử lý “không có vùng cấm, không có ngoại lệ.”
Thế nhưng, nhìn ở khía cạnh khác là công tác thi hành pháp luật, xây dựng và hoàn thiện luật pháp, hàng loạt vi phạm, thất thoát như dẫn chứng nêu trên cũng cho thấy vẫn còn có những kẽ hở từ luật.
Thực tế, sau gần 8 năm "ra đời," bên cạnh những quy định đã góp phần "khắc chế" vi phạm, đến nay, Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo như cách xác định hành vi vi phạm; thời hạn phê duyệt dự án đầu tư công, kế hoạch sử dụng đất... dẫn đến việc mập mờ trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện. Quan trọng hơn, những kẽ hở đang tồn tại trong bộ luật như là "mầm mống" để tham nhũng, tiêu cực nảy nòi.
Chính vì thế, cuối tháng 12/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký ban hành Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có phần đánh giá những chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 với luật chuyên ngành có liên quan và sự phù hợp, cũng như những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đặt ra yêu cầu phải sớm sửa đổi Luật Đất đai trong nhiệm kỳ này.
Theo giới chuyên gia, dự án sửa đổi Luật Đất đai là một dự án lớn, sửa đổi một đạo luật quan trọng bậc nhất, quyết định và có ảnh hưởng đến hàng loạt các luật liên quan khác. Vì vậy, luật cần phải mang tính trí tuệ, bao quát và phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới và quan trọng hơn, đó là phải triệt tiêu những tệ nạn, tham nhũng có thể nảy sinh từ nguồn lực đất đai./.