Nhiều tháng nay, các hộ dân thuộc buôn Jù, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) phải sống chung với nguồn nước giếng bị ô nhiễm xăng, dầu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe và sản xuất.
Theo phản ánh của các hộ dân thuộc buôn Jù, vào tháng 7/2016 sau khi bơm nước từ giếng lên phục vụ sinh hoạt trong gia đình, phát hiện thấy nước giếng có mùi hôi nồng nặc kèm theo váng xăng, dầu.
Gia đình anh Nguyễn Duy Ứng là hộ đầu tiên phát hiện tình trạng trên. Sau khi bơm nước lên bồn để sử dụng trong sinh hoạt, anh phát hiện nước có mùi hôi bất thường, kiểm tra kỹ phát hiện trên mặt nước có một lớp váng như xăng, dầu.
Giếng nước của gia đình anh Trần Văn Quế, Lê Hồng Cường cũng xảy ra hiện tượng tương tự, sau khi chắt nước ở trên bề mặt, đốt lên thì bốc cháy.
Trước tình trạng đó, ngày 5/9/2016 các hộ dân trên đã có đơn trình báo lên Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố Buôn Ma Thuột và các cấp chính quyền, yêu cầu sớm tìm ra nguyên nhân và khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước giếng.
Ngày 9/9/2016, Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố Buôn Ma Thuột phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh Đắk Lắk cùng chính quyền địa phương đã tiến hành lấy mẫu nước để kiểm tra chỉ số khoáng dầu tại các giếng nước theo người dân phản ánh. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy nước bơm từ các giếng lên có mùi xăng, có hiện tượng xăng nổi lên trên bề mặt.
Ngày 11/10/2016, Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã có văn bản hồi đáp về vấn đề các hộ dân phản ánh. Văn bản nêu rõ qua kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra không xác định được nguyên nhân giếng nhiễm xăng, dầu và chưa thể xử lý được xăng dầu tại các giếng.
Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột báo cáo sự việc lên Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk để chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp xử lý. Đồng thời, đề nghị các hộ dân có giếng nước bị ô nhiễm tạm thời không sử dụng, có biện pháp che chắn, bảo vệ để ngăn ngừa các nguy cơ cháy nổ, phát tán ô nhiễm ra khu vực xung quanh.
Ông Trần Văn Quế, một trong những hộ có giếng nước bị ô nhiễm, cho biết đây là nguồn nước chủ yếu phục vụ trong việc ăn uống, sinh hoạt, trồng trọt và chăn nuôi nhất là khi mùa khô đang đến gần, nguồn nước máy không đủ để cung cấp. Hơn nữa, một số hộ dân có giếng nhiễm xăng dầu vẫn chưa được sử dụng nguồn nước máy nên nhiều tháng nay phải xin nước từ nơi khác để sử dụng, gây bất tiện trong sinh hoạt. Trong khi chờ các cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân, khắc phục sự cố, các hộ dân nơi đây sống trong cảnh lo sợ, bất an vì nguồn nước ô nhiễm có dấu hiệu lan rộng.
Ông Nguyễn Văn Tuyền, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, cho biết kết quả kiểm tra nguồn nước giếng vào ngày 9/9/2016 cho thấy nguồn nước đã bị ô nhiễm xăng, dầu, các chỉ số khoáng dầu đều vượt mức cho phép. Bước đầu xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước là do cây xăng gần đó bị rò rỉ xăng, dầu.
Qua khảo sát, ghi nhận có hai cửa hàng xăng dầu đang hoạt động gần khu vực bị ô nhiễm là cửa hàng xăng dầu của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Vũ (cách khu vực bị ô nhiễm 150m theo hướng Đông Bắc) và cửa hàng xăng dầu Đức Hòa (cách khu vực bị ô nhiễm 200m theo hướng Đông Nam). Ngoài ra, trước đây còn có kho xăng, dầu của Công ty cổ phần thi công cơ giới Đồng Tâm đã ngưng hoạt động từ năm 1992.
Hiện Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã giao cho Sở Công thương chủ trì, phối với với các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra việc chôn lấp các bồn chứa xăng dầu của các cửa hàng xăng dầu xung quanh khu vực bị ô nhiễm, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước ngầm để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều đáng nói, trong khi tình trạng ô nhiễm xăng dầu nguồn nước giếng chỉ xuất hiện ở ba hộ dân vào tháng 7/2016, đến nay, tình trạng ô nhiễm này đã lan rộng thêm bốn hộ dân thuộc buôn Jù, một hộ dân thuộc thôn 2 xã Ea Tu và đang có dấu hiệu lan rộng ra các hộ dân sống gần đó./.