Hàng loạt giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý vốn đầu tư công

Để nâng cao hiệu quả việc sử dụng vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị các cấp, địa phương tăng cường quyết toán dự án hoàn thành, quản lý vốn tại các Chương trình mục tiêu Quốc gia...
Công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành vẫn còn tình trạng chậm lập, thẩm tra, phê duyệt ở cấp huyện, cấp xã tại một số Ban quản lý dự án. (Ảnh: Vietnam+)

Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản gửi các bộ, ngành cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành, quản lý vốn đầu tư công các Chương trình mục tiêu Quốc gia và chi phí quản lý dự án.

Xác định rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân

Báo cáo cho biết về công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành vẫn còn tình trạng chậm lập, thẩm tra, phê duyệt ở cấp huyện, cấp xã tại một số Ban quản lý dự án; trong đó một số hồ sơ của các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án lập chưa đầy đủ các nội dung theo quy định. Bên cạnh đó, một số báo cáo kết quả thẩm tra quyết toán còn sơ sài, lưu bản photocopy, chưa đảm bảo quy định và quyết định phê duyệt chưa đúng mẫu của Bộ Tài chính.

Theo báo cáo, nguyên nhân dẫn đến tình hình trên là do thủ trưởng một số đơn vị (cấp huyện, xã) chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác quyết toán dự án hoàn thành cũng như chưa thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian, mẫu biểu, hồ sơ theo quy định của Chính phủ.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc các quy định trong công tác quyết toán dự án hoàn thành. Cụ thể là xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân không thực hiện đúng quy định về thời gian (chậm lập, chậm nộp báo cáo quyết toán và chậm thẩm tra, phê duyệt báo cáo quyết toán).

Thủ trưởng một số đơn vị (cấp huyện, xã) chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác quyết toán dự án hoàn thành. (Ảnh: Vietnam+)

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính yêu cầu đơn vị trên phải kiên quyết áp dụng các chế tài xử lý, như công khai danh sách chủ đầu tư vi phạm; thực hiện xử phạt vi phạm hành chính chủ đầu tư vi phạm; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua của cá nhân, tổ chức; công khai danh sách các nhà thầu vi phạm.

Mặt khác, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán, để giảm tồn đọng quyết toán dự án hoàn thành hàng năm; đặc biệt cần ưu tiên bố trí nguồn lực (nhân sự, vật chất) cho công tác thẩm tra quyết toán đồng thời xác định công nợ, trên cơ sở đó ưu tiên bố trí vốn thanh toán dứt điểm cho dự án.

Đảm bảo vốn đối ứng

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh hiện nay vẫn còn một số địa phương bố trí vốn đối ứng ngân sách thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia chưa đảm bảo tỷ lệ tối thiểu theo quy định. Thậm chí, nhiều địa phương còn chưa phân bổ vốn hết kế hoạch vốn thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia cho các dự án cụ thể. Bên cạnh đó, một số địa phương phân bổ vốn cho các dự án không đúng đối tượng, như phân bổ vốn đầu tư cho các dự án chỉ thực hiện "sửa chữa" hay phân bổ vốn đầu tư ngân sách Trung ương hỗ trợ vượt định mức quy định.

Chỉ ra những nguyên nhân gây ra tồn tại nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng cơ chế, chính sách hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế, phải bổ sung, điều chỉnh và đáp ứng được thời gian.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các cấp quản lý rà soát, thực hiện bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương đảm bảo theo đúng quy định tại các Quyết định của Thủ tướng. (Ảnh: Vietnam+)

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị thực hiện việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm theo đúng thời gian và mẫu biểu. Các cấp cần rà soát việc bố trí vốn đầu tư công cho các dự án thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia đảm bảo theo đúng quy định tại pháp luật về ngân sách Nhà nước, đầu tư công. Đặc biệt là phải đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng, địa bàn, nội dung, mức hỗ trợ quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các cấp quản lý rà soát, thực hiện bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương đảm bảo theo đúng quy định đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương nghiệm thu và hoàn thiện các thủ tục giải ngân. Đặc biệt là tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển theo thẩm quyền để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Về công tác quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cũng chỉ ra nhiều Ban quản lý dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án tự chủ tài chính năm 2023. Cơ quan quản lý cấp trên (tỉnh, huyện) phê duyệt dự toán chi phí quản lý dự án năm 2023 của ban quản lý dự án (trong khi đã phê duyệt phương án tự chủ tài chính từ năm 2022) hay xác định số tiền để lập dự toán và trích lập các quỹ tại ban quản lý dự án còn chưa đúng quy định hiện hành. Mặc khác, các đơn vị này cũng ban hành quy chế chi tiêu nội bộ trong 2023 khi chưa có ý kiến của cơ quan quản lý cấp trên và không xác định được thời gian gửi lấy ý kiến của cơ quan này…

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, cơ quan tài chính và các đơn vị liên quan chưa cập nhật đầy đủ cơ chế chính sách mới mà vẫn thực hiện theo chế độ chính sách cũ.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tài chính đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, cơ quan tài chính và các đơn vị liên quan thực hiện công tác quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ, các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 và số 108/2021/TT-BTC ngày 08/12/2021./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục