Hàng loạt bê bối tài chính mới của Vatican bị "đưa ra ánh sáng"

Hàng loạt những bí mật tài chính liên quan đến những khoản chi bất hợp lý, cách điều hành và quản lý đáng ngờ cũng như vô số những lãng phí trong ngân sách của Vatican được phơi bày.
Hàng loạt bê bối tài chính mới của Vatican bị "đưa ra ánh sáng" ảnh 1Bìa hai cuốn sách công bố nhiều bê bối về tài chính của Vatican sẽ được xuất bản vào ngày 5/11. (Nguồn: ANSA)

Hàng loạt những bí mật tài chính liên quan đến những khoản chi bất hợp lý, cách điều hành và quản lý đáng ngờ cũng như vô số những lãng phí trong ngân sách của Tòa thánh được phơi bày trong hai cuốn sách sắp được xuất bản của các nhà báo điều tra hàng đầu của Italy đang khiến Vatican đau đầu, khi vụ scandal mới liên quan đến những thông tin rò rỉ đang trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn.

Hãng tin ANSA dẫn các nguồn đáng tin cậy cho hay, Giáo hoàng Francis I "rất buồn" sau khi vụ bê bối mới liên quan đến Tòa thánh được đưa ra ánh sáng bởi hai cuốn sách trên, với việc Vatican cho bắt giữ hai quan chức của một ủy ban liên quan đến tài chính mà chính ngài cho thành lập vào năm 2013 để điều tra về các sai phạm trong chi tiêu của Tòa thánh, ngay sau khi ngài trở thành người đứng đầu Giáo hội hoàn vũ.

Đức cha người Tây Ban Nha Lucio Angel Vallejo Balda và chuyên gia PR hàng đầu Francesca Immacolata Chaouqui đã bị bắt với cáo buộc cung cấp các thông tin nhạy cảm về tài chính của Tòa thánh cho các nhà báo điều tra Emiliano Fittipaldi và Gianluigi Nuzzi để họ đưa vào hai cuốn sách, dự định sẽ phát hành ngày 5/11 và hiện đã được báo chí Italy gọi là những quả bom tấn có khả năng tiếp tục làm xấu đi hình ảnh của Tòa thánh.

Vụ rò rỉ thông tin này được đặt biệt danh "Vatileaks 2" để phân biệt với vụ "Vatileaks 1", ám chỉ vụ người hầu của Giáo hoàng tiền nhiệm Benedict XVI là Paolo Gabriele đã chuyển hàng loạt giấy tờ tối mật của Vatican cho nhà báo Nuzzi để ông viết cuốn sách bán chạy có tựa đề "Sua Santita" (Đức thánh cha), xuất bản vào năm 2012. Cuốn sách đã đưa ra ánh sáng nhiều vấn đề nghiêm trọng của Vatican trong tài chính, như sự thiếu minh bạch của nhiều tài khoản, những dấu hiệu tham nhũng và cuộc chiến quyền lực bên trong bốn bức tường của quốc gia nhỏ nhất thế giới này.

Hôm 3/11, nhiều trích đoạn quan trọng của hai cuốn sách mới, vốn dựa nhiều vào các tài liệu được cho là do cha Balda và bà Chaouqui tuồn ra ngoài, đang gây sóng gió cho Vatican, đã được báo chí Italy đăng tải.

Nhật báo La Repubblica đã đăng một phần của cuốn sách "Sự tham lam: Những tài liệu về sự giàu có, scandal và bí mật của Giáo hội của Francis" của nhà báo Fittipaldi. Theo tác giả, Ủy ban về kinh tế do Giáo hoàng lập nên đã chi vô tội vạ hàng trăm nghìn euro cho những chuyến bay với vé hạng thương gia, những bộ đồ và đồ đạc trang trí đắt tiền.

Fittipaldi viết rằng, một bảng danh mục các khoản chi của Ủy ban gồm 8 người này đã được gửi cho Giáo hoàng vào tháng 1/2015, một năm sau khi được thành lập. Bản danh sách này đã khiến Giáo hoàng nổi giận, khi ngài đọc được rằng, chỉ trong 6 tháng đầu hoạt động, Ủy ban đã chi những khoản "điên rồ" lên tới hơn nửa triệu euro.

Cũng theo Fittipaldi, Vatican rất giàu, với nhiều bất động sản ở Châu Âu, trong đó, chỉ riêng ở Rome cũng đã có hơn 5.000 căn hộ lớn nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, theo tác giả, Vatican đã nhận được từ Cơ quan quản lý tài sản của Tòa thánh (APSA) một ước tính giá trị thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường. Cụ thể, tổng giá trị các bất động sản của Tòa thánh trong giấy tờ là khoảng 1 tỷ euro. Nhưng các tài liệu của Ủy ban về kinh tế cho rằng, giá trị thị trường của các bất động sản đó cao hơn giá trị APSA đã đưa ra tới 6 lần. Câu hỏi đặt ra là APSA làm thế để làm gì và ai sẽ được lợi từ việc định giá thấp như thế, với nhiều bất động sản được định giá chỉ 1 euro!

Trong một phần khác của cuốn sách, Fittipaldi viết rằng, Tòa thánh đã chi cho việc thiện nguyện từ các quỹ của mình quá ít ỏi, dù rất giàu có. Fittipaldi, dựa trên các kết luận của Ủy ban kinh tế, đã chỉ ra rằng, các quỹ này, thay vì phải được chi cho người nghèo ở nhiều nơi trên thế giới thì lại được sử dụng cho những hoạt động khác chỉ để làm giàu cho chính Vatican.

Trong khi đó, một vài chi tiết trong cuốn sách có tựa đề "Via Crucis" (Đường Thánh giá) của nhà báo điều tra Gianluigi Nuzzi cũng đã được đăng tải hôm 3/11. Cuốn sách dày 260 trang và sẽ được phát hành cùng lúc bằng tiếng Anh và Ý ở Italy và 22 nước khác trên thế giới đã vẽ nên một bức tranh khá sống động về sự quản lý lỏng lẻo trong vấn đề tài chính của Vatican, những hoạt động bất thường trong chi tiêu, các khoản tài chính "bốc hơi" không rõ lý do, những tài khoản mờ ám và những âm mưu, những cuộc đấu đá vì quyền lực trong nội bộ Nhà thờ.

Tác giả cũng kể lại rằng, ba tháng sau khi lên nắm quyền, Giáo hoàng Francis I đã nổi giận khi đọc các tài liệu liên quan đến các khoản chi "trên trời" của Vatican và đòi hỏi những người phụ trách tài chính của Tòa thánh phải thực hiện việc "minh bạch hóa" công tác này.

Cũng theo Nuzzi, những tài liệu tài chính của Vatican cho thấy những "lỗ hổng" lớn lên đến nhiều triệu euro cho những khoản chi không hợp lý, và tài khoản của Ngân hàng Vatican (IOR) có vô số những tài khoản đáng ngờ có thể dính dáng đến rửa tiền và các hoạt động bất hợp pháp. Điều đáng ngạc nhiên là trong IOR vẫn còn tài khoản mang tên của các Giáo hoàng Paul VI và John Paul I, những người đã chết cách đây gần 40 năm. Theo Nuzzi, tài chính của Vatican hết sức hỗn loạn, có nhiều điểm đáng ngờ và là một trong những nguyên nhân chính khiến Giáo hoàng Benedict XVI tuyên bố từ chức vào tháng 2/2013.

Vatican tuyên bố họ sẽ có hành động pháp lý nhằm chống lại các nhà xuất bản và hai tác giả này. Tuy nhiên, hai nhà báo đều khẳng định họ đưa những thông tin động trời này cho công chúng là để giúp Giáo hoàng Francis thực hiện tốt công việc cải tổ Giáo hội, đem lại hình ảnh tốt đẹp hơn cho Vatican, vốn đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi hàng loạt những vụ bê bối liên quan đến tài chính, lạm dụng tình dục trẻ em và các tiết lộ đồng giới của linh mục trong thời gian qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục