Hàng không Việt phát sinh nhiều chi phí do xung đột Nga-Ukraine

Các hãng hàng không Việt Nam làm tăng chi phí bay do máy bay phải thay đổi lộ trình khai thác, phát sinh các vấn đề bảo hiểm, thanh toán, dự phòng rủi ro.
Vietnam Airlines đã buộc phải tạm dừng đường bay đi/đến Nga từ ngày 25/3. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Vietnam Airlines đã buộc phải tạm dừng đường bay đi/đến Nga từ ngày 25/3. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải đánh giá tác động của căng thẳng Nga-Ukraine với lĩnh vực hàng không, Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận xung đột Nga-Ukraine gây ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện và tiêu cực tới kinh tế, trong đó có ngành hàng không.

Kéo dài thời gian bay, phát sinh nhiều chi phí

Theo báo cáo của Cục Hàng không, căng thẳng Nga-Ukraine xảy ra kéo theo việc châu Âu (EU), Mỹ, Anh, Canada đóng cửa bầu trời với Nga bao gồm cả việc cất/hạ cánh và bay qua không phận các nước này và Nga cũng có các động thái tương tự với các quốc gia này.

“Việc này gây ảnh hưởng trực tiếp lên hành khách, các hãng hàng không và làm tăng chi phí bay thậm chí của cả các hãng hàng không không tham gia cấm vận do máy bay phải thay đổi lộ trình khai thác, phát sinh các vấn đề bảo hiểm, thanh toán, dự phòng rủi ro...,” ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Song song đó, ông Sơn cho rằng việc cấm các hãng hàng không khai thác các đường bay không lưu qua Nga (Vietnam Airlines và Bamboo Airways đang khai thác các đường bay đi châu Âu và Hoa Kỳ, có sử dụng các đường bay không lưu quá cảnh qua Nga) khiến hoạt động khai thác của 2 hãng bị tác động lớn.

Cụ thể, các chuyến bay đi/đến châu Âu phải thay đổi đường bay tránh Nga qua Trung Quốc, Kazakhstan hoặc qua Bắc Phi.

Thời gian bay dự kiến tăng thêm từ 60 phút chuyến bay đến 120 phút/chuyến bay, kéo theo chi phí phát sinh từ khoảng 10.600 USD/chuyến bay đến 21.200 USD/chuyến bay.

[Hàng không Việt Nam thông báo khẩn, đóng cửa vùng trời Nga-Ukraine]

Vietnam Airlines đang khai thác 6 chuyến bay/tuần giữa Việt Nam và châu Âu, như vậy chi phí phát sinh khoảng từ 70.000 USD đến 130.000 USD/tuần, Bamboo Airways khai thác 3 chuyến/ tuần giữa Việt Nam và Châu Âu, chi phí phát sinh từ 35.000 USD-65.000 USD/tuần.

Các chuyến bay đi/đến Mỹ phải điều chỉnh đường bay tránh không phận Nga kéo dài thời gian bay từ 20-30 phút/chuyến bay tùy từng giai đoạn khai thác. Vietnam Airlines đang khai thác 4 chuyến bay/ tuần đi Mỹ, dự kiến chi phí phát sinh khoảng 20.000 USD-40.000 USD/tuần tùy từng giai đoạn.

Mặt khác, hãng hàng không không Việt sử dụng được sân bay dự bị trong lãnh thổ Nga; sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine cũng làm tăng giá nhiên liệu, làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho các hãng hàng không.

Ngoài ra, việc cấm vận hàng không dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.

Hỗ trợ để phòng ngừa giảm thiểu rủi ro

Đối với đường bay Việt Nam đến Nga mà Vietnam Airlines tạm dừng khai thác từ 25/3, theo Cục Hàng không Việt Nam, gần 80% đội máy bay thân rộng của hãng là các máy bay thuê và các hợp đồng thuê máy bay của Việt Nam đều có các quy định chung về nguyên tắc bên thuê không được khai thác đến các nước/vùng đang bị cấm vận, chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và EU nếu việc khai thác này dẫn đến vi phạm của các bên liên quan của hợp đồng đối với lệnh cấm vận, trừng phạt.

“Nếu các chủ máy bay của Vietnam Airlines yêu cầu không khai thác đến Nga trong thời gian có chiến sự thì khả năng thu xếp được máy bay có thể khai thác được đến Nga của Vietnam Airlines rất khó khăn,” lãnh đạo Cục Hàng không cho hay.

Hơn nữa, trong trường hợp máy bay phát sinh kỹ thuật tại Nga, do việc cấm vận của Liên minh Châu Âu và Mỹ, các hãng hàng không không thể vận chuyển vật tư khí tài từ các điểm châu Âu sang Nga mà bắt buộc phải vận chuyển từ Việt Nam qua; bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của Boeing và Airbus cũng không thể hỗ trợ các hãng hàng không.

[Vietnam Airlines tạm dừng khai thác đường bay đến Nga từ 25/3]

Ngoài ra, tỷ lệ tái bảo hiểm cho đội máy bay của Vietnam Airlines tại các công ty bảo hiểm có quốc tịch Mỹ, Anh và EU ở mức gần 90%. Các công ty bảo hiểm quốc tế này thuộc đối tượng phải tuân thủ lệnh cấm vận Nga hiện nay là không có bất kỳ hoạt động kinh doanh trực tiếp hoặc gián tiếp với Nga. Do đó, bảo hiểm xảy ra trên lãnh thổ Nga, tất cả các đối tượng có quốc tịch Mỹ, Anh, EU đều bị cấm mọi giao dịch, làm việc, giám định máy bay.

Các rủi ro này sẽ làm mất nhiều thời gian và phát sinh thêm chỉ phí cho các hãng hàng không, chưa kể các rủi ro phát sinh do máy bay nằm tại Nga trong khi chờ sửa chữa, thay thế phụ tùng...

Ngay sau khi xảy ra căng thẳng Nga-Ukraine, các hãng hàng không Việt Nam đã triển khai khẩn cấp các hoạt động phòng ngừa rủi ro như thực hiện việc chuyển tiền về Việt Nam để tránh rủi ro về tỷ giá, cấm vận; làm việc với các công ty bảo hiểm để xác định mức độ rủi ro của vấn đề bảo hiểm các máy bay của khi khai thác đến Nga hoặc qua Nga; làm việc với các bên cho thuê tàu bay và các bên cho vay về các khả năng sử dụng máy bay đến Nga và bay qua không phận Nga.

“Cục Hàng không Việt Nam luôn theo sát các diễn biến về tình hình xung đột, sẵn sàng hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam trong quá trình khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế nói chung cũng như tới thị trường Nga nói riêng khi điều kiện cho phép,” ông Sơn nhấn mạnh./.

Tính đến tháng 3/2022, thị trường hàng không quốc tế có 23 hãng hãng không nước ngoài và Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airaways) khai thác đi/đến 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.

So với giai đoạn năm 2019 (trước dịch COVID-19), hiện còn 8 quốc gia chưa mở lại các đường bay thường lệ đi, đến Việt Nam gồm Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanma, Macau, Phần Lan, Italy và Thụy  Sỹ. Các hãng hàng không khai thác 67 đường bay đi/đến Việt Nam, chủ yếu là khai thác đi/đến 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Dự kiến từ tháng 4/2022 sẽ có thêm các đường bay từ Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc đến Đà Nẵng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục