Hàng không và du lịch tìm giải pháp kết nối Việt Nam với thế giới

Du lịch Việt Nam hiện đang cần những cơ chế, chính sách đột phá hơn, liên quan đến thủ tục nhập cảnh, thị thực; kết nối vận tải-hàng không, đường bộ; quảng bá xúc tiến du lịch; đào tạo nhân lực...
Quang cảnh hội thảo “Hợp tác Hàng không-Du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu” tại Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Chiều 27/12, tại Đà Nẵng, Báo Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng và các đơn vị liên quan tổ chức chương trình hội thảo “Hợp tác Hàng không-Du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu.”

Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương; các doanh nghiệp hàng không, du lịch trên cả nước.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Thể thao Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành Du lịch Việt Nam.

Ngay sau khi dịch được kiểm soát, Chính phủ đã ban hành những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế tới du lịch Việt Nam.

Đặc biệt, với việc cho phép mở cửa từ ngày 15/3/2022, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn du lịch và là một trong 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến COVID-19.

Cùng với đó, công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam được đẩy mạnh, nhất là trên các nền tảng số.

Ngành hàng không đã rất nỗ lực, khẩn trương, tích cực xúc tiến mở nhiều đường bay quốc tế mới, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương và du lịch, đem đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn về chuyến bay, thời gian bay, trải nghiệm bay tốt đẹp; đồng thời góp phần khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch của từng địa phương.

[DN 12 nước và vùng lãnh thổ tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Đà Nẵng]

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Thể thao Du lịch Trịnh Thị Thủy, tại hội nghị "Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam" vừa diễn ra ngày 21/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ mặc dù Việt Nam mở cửa nền kinh tế sớm, trong đó có mở cửa du lịch… là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên, trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh, số lượng du khách vượt kế hoạch đề ra, du lịch quốc tế vẫn có "điểm nghẽn."

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chia sẻ, hội thảo lần này được tổ chức để các học giả, chuyên gia, quý vị đại biểu đóng góp các ý kiến tâm huyết nhằm tháo gỡ các "điểm nghẽn’’ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thúc đẩy phát triển du lịch trước mắt, đồng thời bàn giải pháp lâu dài, căn cơ để phát triển ngành du lịch bền vững.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Thể thao Du lịch Trịnh Thị Thủy phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận đánh giá thách thức, cơ hội của ngành du lịch Việt Nam trong những năm tới; các định hướng của ngành hàng không trong việc chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị kịp thời đón bắt nhịp phục hồi của thị trường du lịch quốc tế; giải pháp liên kết, phối hợp giữa ngành hàng không và du lịch trong việc tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam…

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nêu một số nguyên nhân dẫn đến lượng khách quốc tế của Việt Nam chưa được như kỳ vọng là do thời gian mở cửa đón khách đến nay chưa phải mùa du lịch quốc tế.

Hầu hết các thị trường khách ở khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch.

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng du lịch Việt Nam hiện đang cần những cơ chế, chính sách đột phá hơn liên quan đến thủ tục nhập cảnh, thị thực; kết nối vận tải-hàng không, đường bộ; quảng bá xúc tiến du lịch; đào tạo bồi dưỡng nhân lực du lịch… nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch kinh doanh trên địa bàn bàn các tỉnh, thành phố.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, ngành hàng không và du lịch cần tiếp tục “bắt tay” để đầu tư, xây dựng các gói sản phẩm du lịch dựa trên việc khai thác, làm mới dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị.

Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cần được quan tâm, đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu mới của thị trường…

Còn đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho hay, để phục hồi và phát triển hoạt động khai thác vận tải hàng không quốc tế, trong giai đoạn tới, Cục sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục tìm hiểu thông tin, trao đổi làm việc với các Nhà chức trách hàng không Trung Quốc, Ấn Độ tạo điều kiện về mặt pháp lý cho hoạt động khai thác của các hãng Hàng không Việt Nam đến các quốc gia này vì đây là một trong những thị trường khách du lịch lớn; trước mắt là xem xét, tăng tần suất cho các hãng hàng không trên các đường bay giữa hai nước.

Đồng thời, Cục kiến nghị Chính phủ đưa nội dung này vào các chương trình làm việc cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc, Ấn Độ.

Ngoài ra, ngành nghiên cứu việc thiết lập đường bay không lưu quốc tế đến cảng hàng không quốc tế Cát Bi và xem xét, công bố Cảng Hàng không Liên Khương là cảng hàng không quốc tế để tạo điều kiện cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng Hàng không đến các cảng hàng không này.

Cùng với đó là, Cục Hàng không Việt Nam tăng cường phối hợp với Tổng Cục du lịch trong việc phát động các thị trường khách nguồn, hợp tác hàng không-du lịch và đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn sau đại dịch để kích cầu du lịch quốc tế…

Về cơ chế, chính sách hỗ trợ và thu hút các hãng hàng không, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình đề xuất, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam cần giảm 50% gói phục vụ mặt đất (phí cất, hạ cánh) đối với các chuyến bay quốc tế từ các thị trường Mỹ, châu Âu… khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng trong vòng 36 tháng kể từ thời điểm bắt đầu khai thác.

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Công ty AHT có các chính sách, hỗ trợ đặc biệt cho các hãng hàng không quốc tế trong 1 tháng đầu tiên mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng như miễn phí thuê văn phòng, quảng bá truyền thông tại sân bay Đà Nẵng, truyền thông tại sân bay.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục