Hàng không tăng trưởng “nóng,” các sân bay căn cứ đều quá tải

Cục Hàng không lo sợ nếu cứ để hàng không phát triển tự do đội tàu bay thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy về hạ tầng và chất lượng dịch vụ hàng khách.
Hành khách chờ làm thủ tục bay tại cảng hàng không Nội Bài. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Không chỉ tăng trưởng “nóng” về sản lượng khách mà các hãng hàng không cũng nâng quy mô đội tàu bay để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, tuy nhiên, Cục Hàng không lo sợ nếu cứ để hàng không phát triển tự do đội tàu bay thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Do đó, chiến lược phát triển vận tải hàng không không thể không có sự điều tiết của quản lý Nhà nước.

Tăng trưởng “nóng” hành khách, quy mô đội tàu bay

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2016, thị trường hành khách hàng không có sự tăng trưởng mạnh ước đạt 52,2 triệu khách, tăng trên 29% so năm 2015. Các hãng hàng không Việt Nam đã đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, đặc biệt là Vietjet Air và Jetstar Pacific với việc mở rộng mạng đường bay và tăng tần suất trên các đường bay nội địa, khai thác 50 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh với 17 sân bay địa phương nên thị trường hành khách nội địa có sự tăng trưởng mạnh, đạt 28 triệu khách, tăng 30% so năm 2015.

Đối với thị trường quốc tế, năm 2016 có 52 hãng hàng không nước ngoài thuộc 28 quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác đi/đến Việt Nam với 78 đường bay từ 34 điểm đến Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hải Phòng và Nha Trang.

Đặc biệt, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của hãng hàng không giá rẻ tăng mạnh trong năm 2016, dự kiến riêng thị trường nội địa đã có xấp xỉ 15 triệu hành khách sử dụng dịch vụ hàng không giá rẻ, chiếm gần 55% tổng lượng vận chuyển trên các đường bay nội địa.

Một điểm đáng lưu ý là số lượng tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam tăng mạnh trong năm 2016. Đến thời điểm hiện tại, đội tàu bay của các hãng Việt Nam là 147 chiếc, tăng 14 chiếc so năm 2015. Từ nay đến hết năm 2016, các hãng hàng không Việt nam dự kiến sẽ nhận thêm 5 tàu bay.

Với sự tăng trưởng “nóng” trong thời gian qua, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã đưa nhiều công trình hạ tầng cảng hàng không vào khai thác, sử dụng, góp phần nâng cao năng lực thông qua của hệ thống cảng hàng không, sân bay, nâng cao chất lượng dịch vụ như tại sân bay Tân Sơn Nhất đưa thêm 4 vị trí sân đậu cho tàu bay, mở rộng cải tạo sân đỗ đường lăn; sân bay Nội Bài tiếp tục triển khai thực hiện dự án cải tạo nhà ga hành khách T1, bổ sung thêm 11 vị trí đỗ, nâng tổng số vị trí đỗ lên 70 vị trí được cấp phép, có thể khai thác đồng thời được 50 vị trí; khai thác/đỗ qua đêm 56 vị trí…

Trong 11 tháng của năm 2016, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện hơn 228.000 chuyến bay với 36.844 chuyến bay bị chậm (chiếm 16,1%) trong đó nguyên nhân chủ quan của hãng hàng không (kỹ thuật tàu bay) chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm 17,1% tổng số chuyến bay chậm và gián tiếp gây nên 10,6% chuyến bay chậm của chặng kế tiếp).

Trong nhóm nguyên nhân tàu bay về muộn, phía Cục Hàng không cho rằng, nguyên nhân hạn chế về điểu hành bay tại cảng hàng không xuất phát chiếm tỷ trọng lớn, tới 12,7% trên tổng số chuyến bay chậm. Điều này có thể lý giải là do các tàu bay phải bay chờ tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vì mật độ cao.

Về tổng thể, nhóm nguyên nhân chủ quan từ các hãng hàng không, cảng hàng không chiếm hơn 40% tổng số chuyến bay chậm, gián tiếp gây nên tình trạng chậm chuyến dây chuyền cho các chuyến bay kế tiếp.

“Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh về số chuyến bay thực hiện nhưng tỷ lệ chậm chuyến tăng không nhiều. Điều này cho thấy các hãng hàng không Việt Nam, các đơn vị cung cấp dịch vụ đã có nhiều nỗ lực để hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến bay trong bối cảnh còn nhiều hạn chế về hạ tầng cảng hàng không, đặc biệt là tại sân bay Tân Sơn Nhất,” lãnh đạo Cục Hàng không nhìn nhận.

Quy mô đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam có tốc độ tăng trưởng chóng mặt. (Ảnh: Vietjet Air)

“Hãm” độ “phình” của các hãng hàng không

Theo Dự thảo Chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không và đội tàu bay dân dụng Việt Nam giai đoạn 2016-2020 của Cục Hàng không, quy mô đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đến năm 2020 sẽ vào khoảng 230 chiếc. Số lượng tàu bay này thấp hơn 14 chiếc so với kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không nội địa.

Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, lý do hàng đầu dẫn đến quy hoạch đội tàu bay dân dụng của Việt Nam trong 4 năm tới chỉ ở mức 230 chiếc là do hạ tầng không thể đáp ứng kịp tốc độ phát triển.

Bên cạnh đó, giai đoạn đến năm 2020, nhu cầu của các hãng hàng không Việt Nam về vị trí đậu tàu bay qua đêm tại các sân bay căn cứ là 242 vị trí, vượt 22 vị trí, riêng tại 2 cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất thì cung vượt quá lớn (53 vị trí).

Đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam

“Quan trọng nhất là chỗ đỗ tàu bay qua đêm, Nhà nước không quy định đội tàu bay của các hãng chỉ được phát triển ở một con số nhất định. Nhà nước chỉ đáp ứng được chỗ đỗ tàu bay ở một mức nhất định tại 2 đầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các hãng căn cứ vào đây để lên kế hoạch phát triển đội tàu bay của mình, còn nếu hãng tăng đội tàu bay rồi đỗ ở Cần Thơ, Phú Quốc… thì thoải mái,” ông Thanh cho biết thêm.

Trong khi đó, hiện nay tình trạng tắc nghẽn hạ tầng sân bay đang diễn ra ở hầu hết các sân bay lớn, đặc biệt nghiêm trọng là Tân Sơn Nhất, trong khi sân bay Long Thành phải mất nhiều năm nữa mới có thể hoàn thành, sân bay Cam Ranh, sân bay Đà Nẵng… cũng đã bắt đầu quá tải.

“Việc đầu tư hạ tầng hàng không cần thời gian dài chứ không thể ngày một ngày hai là có thể đầu tư mở rộng được sân bay, xây thêm đường lăn, sân đỗ tàu bay. Do đó, chiến lược phát triển vận tải hàng không không thể không có sự điều tiết của quản lý Nhà nước. Nếu cứ để hàng không phát triển tự do đội tàu bay thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy,” ông Thanh nhận định.

Nhằm nâng cao công tác đảm bảo chất lượng dịch vụ, trước mắt ACV kiến nghị Cục Hàng không có cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện để các hãng hàng không thay đổi mạng đường bay khai thác nhằm sử dụng các sân bay lân cận làm căn cứ để đậu qua đêm, không tập trung quá nhiều tàu bay đậu qua đêm tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đồng thời nghiên cứu xây dựng thêm nhà ga nội địa với công suất từ 10-15 triệu khách/năm.

“Cục Hàng không cần xem xét kỹ đến việc các hãng hàng không chỉ xin Slot để dự phòng mà thực tế chưa khai thác gây ảnh hưởng đến việc khai thác cơ sở hạ tầng của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, tạm thời không cấp thêm Slot ban ngày (từ 7-21 giờ) cho các chuyến bay nội địa do nhà ga nội địa đang quá tải, ưu tiên dành Slot cho các chuyến bay quốc tế, hãng hàng không mới khai thác do nhà ga quốc tế đã hoàn thiện phần mở rộng giai đoạn 1,” đại diện ACV cho hay.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không đề nghị Cục Hàng không và ACV tiếp tục đầu tư thiết bị Kiosk check-in tại các cảng hàng không sân bay trong nước; mở rộng khu vực phòng chờ và bố trí ghế ngồi cho khách khi có chuyến bay bị chậm; phân bổ Slot và tỷ lệ sử dụng cầu ống lồng giữa các hãng theo tỷ lệ chuyến bay khai thác; các cảng hàng không hỗ trợ mở thêm quầy khi đông khách để không làm chậm quá trình làm thủ tục và lên tàu.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục