Hàng không nội địa: ''Lò xo bị nén lâu ngày đã tới lúc bung ra''

Các hãng hàng không nội địa đã cơ bản phục hồi toàn bộ mạng bay nội địa khi mở bán vé bay ồ ạt, tăng tần suất các chuyến bay kết nối giữa các địa phương.
Các hãng hàng không đã khôi phục lại mạng đường bay nội địa sau khi kiểm soát tốt dịch COVID-19 tại Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Các hãng hàng không đã khôi phục lại mạng đường bay nội địa sau khi kiểm soát tốt dịch COVID-19 tại Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Sản lượng hành khách cũng như tần suất chuyến bay liên tục tăng trưởng và có thời điểm còn vượt so với cùng kỳ của năm trước là những dấu hiệu phục hồi đáng chú ý về nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân sau khi kiểm soát tốt dịch COVID-19 trong thời gian qua.

Phục hồi trong trạng thái “bình thường mới”

Sau khi khôi phục toàn bộ hoạt động vận tải khách trong nội địa, gỡ bỏ các quy định về giới hạn số lượng khai thác tại các đường bay, giãn cách trên máy bay, các hãng hàng không nội địa đã cơ bản phục hồi toàn bộ mạng bay nội địa khi mở bán vé bay ồ ạt, tăng tần suất các chuyến bay kết nối giữa các địa phương nhằm kích cầu du lịch đi lại của người dân.

Cụ thể, ngày 21/9 vừa qua, Vietnam Airlines ghi nhận sản lượng vận chuyển khách bay nội địa đạt gần 40.000 lượt khách, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2019. Mức tăng trưởng đánh dấu sự phục hồi ấn tượng của Vietnam Airlines trong bối cảnh dịch COVID-19 lần thứ hai tại Việt Nam đã và đang được kiểm soát tốt.

“Kết quả này có được từ nỗ lực tối ưu hóa mạng bay nội địa, tăng cường khai thác hiệu quả đội tàu bay, mở lại và tăng tần suất trên nhiều đường bay, thực hiện hàng loạt các hoạt động xúc tiến, chương trình khuyến mại kích cầu, đảm bảo chất lượng dịch vụ trong khi vẫn đảm bảo phòng chống dịch bệnh của Vietnam Airlines trong thời gian vừa qua,” đại diện hãng bay này nhìn nhận.

Hiện nay, Vietnam Airlines đang khai thác mạng bay nội địa gồm hơn 40 đường bay, với trung bình gần 200 chuyến bay mỗi ngày. Trước diễn biến tích cực của dịch COVID-19, hãng đã tăng thêm tần suất trên 8 đường bay nội địa giữa Hà Nội và Vinh, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Nha Trang, Đà Lạt, Pleiku; giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Tương tự, hãng hàng không Bamboo Airways đã khai thác trở lại nhiều đường bay nội địa như Hải Phòng-Pleiku/Buôn Mê Thuột/Quy Nhơn; Vinh-Đà Lạt/Vinh Buôn Mê Thuột từ 28-29/9/2020; Đà Nẵng-Hải Phòng từ 5/10; Đà Nẵng-Vinh, Vinh-Quy Nhơn, Hải Phòng-Nha Trang, Đà Nẵng-Nha Trang từ 15/10/2020.

Song song đó, Bamboo Airways cũng mở mới các đường bay Hà Nội-Côn Đảo và Hải Phòng-Côn Đảo từ 29/9; Cần Thơ-Quy Nhơn từ 12/10/2020.

Ngoài ra, Bamboo Airways tiếp tục rà soát nhu cầu, bố trí nguồn lực để tiếp tục khôi phục các đường bay nội địa khác từ tháng 11/2020. Hãng cũng tìm kiếm cơ hội thu xếp giải pháp tăng thêm các chuyến bay trên mạng đường bay hiện tại, nhằm bổ sung thêm những lựa chọn cho hành khách có nhu cầu đi lại trong giai đoạn sắp tới.

[Các hãng hàng không Việt đẩy mạnh khai thác đường bay ''ngách'']

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet, hiện nay Vietjet từng bước phục hồi hoàn toàn mạng bay nội địa với 40 chặng bay và gần 160 chuyến bay mỗi ngày, tăng 60% so với giai đoạn giãn cách xã hội trước đó, với tăng trưởng lượng khách qua từng tuần với tỷ lệ lấp đầy trung bình các chuyến bay đạt trên 80%.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không như Bamboo Airways, Vietjet đã ngay lập tức tung ra vé máy bay giá rẻ (vé 0 đồng, giảm 30-70% giá vé) hay các gói hỗ trợ cùng các sản phẩm thẻ bay, combo... với nhiều ưu đãi hấp dẫn chưa từng có để kích cầu, đón đầu nhu cầu di chuyển của hành khách.

Phá mây đen để duy trì “hơi thở”

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, ngành hàng không đã được hưởng lợi lớn, trực tiếp từ thành tựu chống COVID-19 của Chính phủ. Việc được khai thác các đường bay nội địa như trước thời điểm dịch bùng phát sẽ giúp các hãng sớm gia tăng dòng tiền, từ đó từng bước vượt quá khó khăn.

Cho rằng ngành hàng không Việt Nam có khả năng phục hồi sớm hơn các quốc gia khác bởi lý do thị trường nước ta đang giai đoạn phát triển, ông Thắng cho biết: “Dư địa ngành hàng không của chúng ta còn rất nhiều. Tính trung bình người Việt Nam đi 2 lần/năm thì hàng không có thể đón lượng khách là hơn 180.000 lượt. Nói vậy để thấy thị trường Việt tiềm năng rất lớn.”

Ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho rằng doanh thu đến từ thị trường nội địa hiện là nguồn thu chính của các hãng hàng không, đáp ứng yêu cầu về chi phí nhân công, chi phí hoạt động, thuê mua máy bay, các chi phí cố định khác

“Nhưng quan trọng hơn, với vai trò là lĩnh vực khơi thông, mở đường cho các lĩnh vực thương mại khác của nền kinh tế phục hồi thì nguồn thu quý báu của hàng không này là đòn bẩy cho đà phát triển trong thời gian tới của ngành, từ đó đóng góp vào nhiệm vụ phục hồi kinh tế nói chung của Chính phủ,” ông Thắng khẳng định.

Hàng không nội địa: ''Lò xo bị nén lâu ngày đã tới lúc bung ra'' ảnh 1Rất đông hành khách chờ máy bay tại nhà ga Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Cho rằng sự trỗi dậy của hàng không là tự nhiên, theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, khi không còn lo sợ dịch bệnh, công ăn việc làm và thu nhập phục hồi, Cục Hàng không dự báo thời điểm kỳ vọng thị trường hàng không quay trở lại giống như năm 2019 chắc cũng phải 2-3 năm trong trường hợp toàn cầu sớm khống chế dịch bệnh.

[Thị trường du lịch nội địa tăng mạnh sau dịch COVID-19 nhờ hàng không]

Ông Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết với việc tất cả các đường bay nội địa được khai thác trở lại, thậm chí còn mở thêm rất nhiều đường bay mới sẽ rất tốt cho Việt Nam, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ là chống dịch thật nhanh để phục hồi kinh tế sớm.

“Việc được bay nội địa trở lại, hết giãn cách xã hội cũng đã giúp hàng không có thể ‘nối’ được mạch sống của mình,” ông Thiên phân tích.

Đưa ra ví von thúc đẩy thị trường hàng không nội địa chính là “cơn mưa” đầu tiên đưa ngành hàng không sớm trở lại với “sức khỏe” vốn có trước dịch COVID-19, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch gợi mở ngành hàng không, các địa phương cần kết hợp với nhau để tạo cú hích phát triển, giúp ngành hàng không từng bước trỗi dậy.

Bà Vũ Tiến Lộc, Phó giám đốc Saigon Tourist cho biết với việc các hãng hàng không tung vé giá rẻ như hiện nay, khách hàng sẽ được hưởng lợi rất nhiều và đem tới sự phong phú, đa dạng cho các sản phẩm du lịch, từ đó kích thích nhu cầu đi lại trong trạng thái “bình thường mới”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục