Theo các chuyên gia kinh tế, hàng không chính là bệ phóng của ngành du lịch, thu hút đầu tư, giao thương, quan hệ quốc tế. Hàng không và du lịch giống như “đôi cánh" cùng góp phần phát triển kinh tế.
Gần 85% khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 9 tháng của năm 2024, tổng số khách quốc tế đạt hơn 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn con số 12,6 triệu lượt của năm 2023.
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng của năm 2024 với 3,3 triệu lượt (chiếm 26,5%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 2,7 triệu lượt (chiếm 21,3%). Riêng hai thị trường này đóng góp 47,8% tổng số khách quốc tế đến trong 9 tháng qua.
Tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) là 954.000 lượt, Mỹ là 579.000 lượt, Nhật Bản là 529.000 lượt, Malaysia là 357.000 lượt. Trong top 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Australia, Ấn Độ, Campuchia và Thái Lan.
Về động lực tăng trưởng, trong 9 tháng của năm, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á là động lực chính cho sự tăng trưởng lượng khách quốc tế. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc tăng 141,4% so với cùng kỳ năm 2023, Hàn Quốc (tăng 30,3%), Nhật Bản (tăng 27,6%), Đài Loan (tăng 65,8%).
So với thời điểm trước đại dịch, thị trường tiềm năng Ấn Độ tăng trưởng đột phá, phục hồi ở mức 305% so với trước dịch. Hầu hết các thị trường Đông Nam Á cũng phục hồi tốt: Campuchia đạt mức 300%, Indonesia đạt mức 171%, Lào đạt mức 155%, Philippines đạt mức 134%, Singapore đạt mức 112%. Riêng Thái Lan (87%) và Malaysia (82%) phục hồi ở mức thấp hơn.
Số lượng khách quốc tế tăng trưởng trở lại, không thể không nói tới vai trò của ngành hàng không.
Thực tế, trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam, lượng khách đến bằng đường hàng không đạt gần 10,8 triệu lượt người, chiếm 84,9% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nói như các chuyên gia kinh tế, hàng không chính là bệ phóng của ngành du lịch, thu hút đầu tư, giao thương, quan hệ quốc tế. Hàng không và du lịch giống như “đôi cánh" cùng góp phần phát triển kinh tế.
Định vị thương hiệu du lịch cộng đồng tại Việt Nam với các sản phẩm đặc sắc
Du lịch cộng đồng được xác định là sản phẩm chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt, bảo tồn, đa dạng hóa ngành nghề cho cộng đồng dân cư tại chỗ, cải thiện sinh kế cho người dân...
Đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong sự đồng hành, quan tâm của Chính phủ, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch đã phục hồi và phát triển.
“Góp phần vào sự phục hồi này không thể thiếu vai trò của các hãng hàng không. Thống kê cho thấy hiện nay, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ rất cao so với các phương thức khác,” ông Cương thông tin.
Lượng hành khách vẫn chưa tương xứng tiềm năng
Theo ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), trong kỷ nguyên mới, ngành hàng không Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, dư địa phát triển.
“Chúng tôi nhận thức rõ máy bay Việt Nam bay đến đâu thì ‘biên giới mềm’ của chúng ta mở rộng đến đấy. Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, tuy nhiên lượng hành khách vẫn chưa tương xứng. Năm 2023, Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Malaysia (29 triệu), Thái Lan (28 triệu), Singapore (13,6 triệu). Con số này chưa bằng một nửa hai nước dẫn đầu trong khu vực,” ông Hoà nói.
Ngoài ra, khu vực châu Á-Thái Bình Dương được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế chính của thế giới trong các thập kỷ tiếp theo. Đây cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng thị trường hàng không nhanh nhất 5,3%/năm (so với mức tăng trưởng bình quân toàn cầu là 3,8%/năm). Tới năm 2040, lượng khách tăng thêm trong khu vực này sẽ chiếm hơn 60% lượng khách tăng thêm trên toàn cầu.
Nhiều “rào cản” khiến đầu tư du lịch ở Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn
Để tạo động lực cho các nhà đầu tư trong việc lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Việt Nam, chúng ta cần xóa bỏ rào cản về thể chế, chính sách, cải cách thủ tục nhằm tháo gỡ điểm nghẽn...
Riêng với thị trường hàng không Việt Nam, dự báo quy mô tổng thị trường tới năm 2040 sẽ tăng 2,5-3 lần so với quy mô hiện tại, đạt xấp xỉ 200 triệu lượt khách quốc tế, nội địa/năm.
Nhấn mạnh Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thời cơ và vận hội mới để phát triển đột phá về mọi mặt, ông Hoà khẳng định Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành hàng không dân dụng. Trong đó, Vietnam Airlines giữ vai trò then chốt, chủ đạo đối với sự phát triển ngành hàng không nước nhà, kết nối Việt Nam với thế giới.
“Vietnam Airlines đang trực tiếp cạnh tranh khốc liệt với các hãng hàng không khác, bao gồm các hãng nội địa và hơn 50 hãng hàng không bay thường lệ đến Việt Nam. Nếu Vietnam Airlines không chuyển mình, chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thì sẽ rất khó để cạnh tranh,” Chủ tịch Vietnam Airlines cho hay.
Theo yêu cầu của Chính phủ, Vietnam Airlines đã xây dựng Đề án tái cơ cấu tổng thể tháo gỡ khó khăn vượt qua đại dịch COVID-19, Hãng rất mong nhanh chóng được phê duyệt đề án này để có thể thực hiện những giải pháp nêu trong đề án, nhằm không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt mà còn chuẩn bị cho sự phát triển tương lai.
Trong bối cảnh khó khăn, Vietnam Airlines vẫn mở rộng mạng bay toàn cầu. Trong năm 2025, Hãng nghiên cứu và mở rộng các mạng bay đi Italy, Đan Mạch, Canada…/.