Hàng không Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng khách cao nhất thế giới

Hàng không giá rẻ: 'Người nông dân chân đất cũng được đi máy bay'

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nhận định, hàng không giá rẻ bùng phát giai đoạn qua đã tăng trưởng thị phần lớn và phục vụ cho chính người dân.
Thị trường vận tải của ngành hàng không vẫn còn là mảnh đất màu mỡ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nhận định, hàng không giá rẻ bùng phát giai đoạn qua đã "tạo sân chơi," tăng trưởng thị phần lớn và phục vụ cho chính người dân.

Ông cho rằng tất cả hạ tầng hiện nay, từ cảng hàng không, chất lượng dịch vụ, quản lý Nhà nước, không lưu đều bình đẳng cho các hãng mà chưa có sự phân biệt về chính sách giá cao-thấp.

“Nếu nhìn mặt bằng chung của khu vực, Việt Nam đang có chính sách ưu ái về hàng không giá rẻ,” Thứ trưởng Thọ khẳng định.

Mảnh đất “màu mỡ”

Tại buổi Tọa đàm “Nhận diện cơ hội và thách thức trong thị trường vận tải hàng không” vào chiều nay (18/5), Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong giai đoạn 2013-2017, Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới với tỷ lệ vận chuyển hành khách quốc tế đạt 6,9%; vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 6,6%.

[Hàng không Việt Nam thực hiện 800.000 chuyến bay, đón 94 triệu khách]

“Nếu xét ở tầm nhìn đến năm 2035, thị trường hàng không của Việt Nam được đánh giá nằm trong nhóm 5 thị trường có lượng khách tăng trưởng cao nhất thế giới. Cùng với sự phát triển nhanh của thị trường hàng không đã thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ ngành du lịch, thương mại và đầu tư toàn cầu những năm qua,” ông Kiên đưa ra góc nhìn toàn cảnh.

Thừa nhận thị trường hàng không đang có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đưa ra con số dự báo đến 2020, tổng lượng hành khách sẽ đặt được 127,8 triệu hành khách và tổng lượng hàng hóa đạt 21%.

Chỉ ra nguyên nhân, Thứ trưởng Thọ nhận định và đánh giá những thuận lợi, những yếu tố tạo cho hàng không phát triển trước hết là sự ổn định chính trị, an ninh quốc phòng được giữ vững, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện nên nhu cầu đi lại cao, chính sách hội nhập kinh tế, thu hút đầu tư…

“Đây là những tiềm năng và là cơ hội để hàng không cất cánh trong thời gian tới,” Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.

Thừa nhận thực tế tốc độ sự phát triển của ngành hàng không đã gây nên ách tắc các sân bay, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tiềm năng riêng của Việt Nam là bùng nổ của hãng hàng không, đặc biệt, có sự tham gia của khu vực tư nhân ở cả 2 vế cung và cầu.

Sự bùng nổ của Vietjet đã làm người thu nhập thấp hưởng lợi nhiều, đáp ứng yêu cầu đi lại của khách. Tới đây, có Tập đoàn Sun Group làm sân bay Vân Đồn, FLC bày tỏ có nguyện vọng đầu tư để làm sân bay Đồng Hới. Các hãng có lợi nhuận tốt sẽ là cơ sở để tăng nguồn lực đầu tư đội tàu bay, công nghệ mới của hàng không, tuyển phi công chất lượng cao… trong tương lai,” ông Thiên bày tỏ sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng hàng không.

Nông dân chân đất cũng đi được máy bay

Tại hội thảo, đại diện cac cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia cũng thảo luận sôi nổi về vấn đề hàng không giá rẻ tạo sân chơi và tăng trưởng lớn nhưng cũng có sự cạnh tranh khốc liệt về giá dẫn đến thu lỗ, triệt tiêu lẫn nhau đồng thời đưa ra các biện pháp khắc phục mặt trái này.

Ông Dương Trí Thành , Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng, thực tiễn hiện nay, mô hình phát triển mới về hàng không giá rẻ trong khu vực cũng bùng nổ.

[Giá vé máy bay có tăng sau khi đồng loạt tăng giá dịch vụ hàng không?]

Phân tích thêm, theo ông Thành, từ năm 2015, giá dầu xuống “đáy” là cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển hàng không giá rẻ. Năm 2012, hàng không giá rẻ chỉ chiếm 16,17% nhưng hiện nay đã tăng lên 67%.

“Với điều kiện và cơ hội này, Vietnam Airlines tiếp tục phát triển, tập trung sản phẩm cao cấp 4 sao, đường bay quốc tế, xuyên lục địa, hay cả đường bay nội địa thông qua kết hợp với hãng hàng không nổi tiếng của Australia là Jetstar Pacific nhằm mục tiêu tăng tính xã hội vùng miền hơn,” Tổng giám đốc Vietnam Airlines quả quyết.

Tuy nhiên, ông Thành cũng đưa ra cảnh báo vấn đề hiện nay, ngành hàng không mang tính chất “mong manh” nên nếu gặp cơn gió nào bất lợi sẽ đều "dính" trước bởi giá dầu giảm sâu nhưng đang tăng trở lại như một cái bẫy, nếu sa đà thì sẽ thiệt thòi. Do đó, thời gian qua, Vietnam Airlines cũng hết sức kiên định, kiềm chế để thực hiện mục tiêu dài hạn trong tương lai.

Tiến sỹ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh sự xuất hiện của hàng không giá rẻ, đặc biệt là Vietjet Air, Jetstar Pacific đã tạo điều kiện cho những người “nông dân chân đất” cả đời chưa bao giờ được đi hàng không có điều kiện để đặt chân lên máy bay.

“Trong vài năm gần đây, hàng không giá rẻ phá vỡ toàn bộ dự báo quá tải các sân bay, đặc biệt là ở sân bay Tân Sơn Nhất,” ông Lịch nêu ra thực tế.

Sự phát triển của hàng không giá rẻ đã giúp nhiều hành khách có cơ hội được đặt chân lên máy bay. (Ảnh: Vietjet cung cấp)

Ủng hộ phát triển hàng không giá rẻ nhưng chính sách từ quản lý, đầu tư hạ tầng, sân bay, cảng… phải có một chính sách rõ ràng, ông Lịch mong các doanh nghiệp hàng không trong nước phải hợp tác, phối hợp, phát triển, tránh tình trạng tự giết mình, làm yếu mình đi bởi hệ lụy trước mắt của sự cạnh tranh nhau về giá là sẽ làm cho doanh nghiệp phá sản, hoặc tồn tại một cách yếu ớt.

Với tư cách cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, Việt Nam đang phát triển trong một giai đoạn nên cần nhìn nhận cần có một hành lang phát lý cho việc phát triển lâu dài. Lĩnh vực hàng không , an ninh an toàn phải là số 1.

“Chúng ta nghĩ một chuyến bay đơn giản, song thực tế để đảm bảo an toàn thì phải có quá nhiều khâu phải chuẩn bị. Hiên nay Luật hàng không đã được ban hành, thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu sẽ có kiến nghị sửa đổi, đặc biệt với các loại hình hàng không. Như Vietnam Airlines có hai chức năng, cạnh tranh giá rẻ, hoạt động thương mại gắn liền với nhiệm vụ chính trị của hãng hàng không quốc gia. Làm sao để tạo hành lang pháp lý, giữa hàng không giá rẻ và hàng không quốc gia,” Thứ trưởng Thọ nói.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự lo ngại về việc sự quá tải hạ tầng làm cản trở phát triển hàng không đồng thời xem xẻt đầu tư cảng hàng không phải mang tính đồng bộ, hoàn thiện quy hoạch chi tiet các sân bay, thể hiện ở các khu chức năng nhằm thu hút, huy động nguồn lực để đầu tư nhằm phát huy hiệu quả…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục