Động lực mới của hàng không thế giới

Hàng không giá rẻ - Động lực mới của hàng không thế giới

Việc các hãng hàng không giá rẻ ký hợp đồng đặt mua hàng trăm máy bay mới cho thấy đây là động lực mới của hàng không thế giới.

Trong thời gian diễn ra Singapore Airshow 2014, các hãng hàng không khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là hàng không giá rẻ, đã ký nhiều hợp đồng đặt mua máy bay mới, với số lượng lên tới hàng trăm chiếc.

Điều này phản ánh một xu thế ngày càng trở nên rõ ràng, đó là hàng không giá rẻ đang và sẽ tiếp tục là một động lực phát triển của hàng không thế giới.

Theo ban tổ chức Singapore Airshow 2014, trong 4 ngày triển lãm chính thức, đã có tổng cộng 32 tỷ USD giá trị hợp đồng đã được ký kết trong đó nổi bật là các hợp đồng mua và thuê hàng trăm máy bay các loại trị giá nhiều tỷ USD giữa của các hãng hàng không Đông Nam Á như giữa Nok Air với Boeing hay VietJet Air với Airbus.

Thực tế cho thấy đây không phải là hiện tượng nhất thời mà là sự tiếp nối của một xu thế xuất hiện từ vài năm qua trong khu vực. Giờ đây hàng không giá rẻ thực sự là một thế lực ở Đông Nam Á, đặc biệt tại 4 thị trường lớn nhất trong khu vực là Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.

“Cách đây vài năm chúng ta đã chứng kiến Air Asia đã mua hàng trăm máy bay và rồi Lion Air của Indonesia cũng mua hàng trăm máy bay. Chúng ta thấy đang có một thị trường mới trong khu vực Đông Nam Á cho người dân đi lại. Rất nhiều người dân trong khu vực muốn đi lại bằng đường hàng không song chi phí là quá cao.”

“Hàng không giá rẻ đã giúp mong muốn này trở thành hiện thực. Chúng ta thấy tại những nơi như Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia, hàng không giá rẻ đã tạo ra dấu ấn cho sự thay đổi này, khi đáp ứng được hơn 50% nhu cầu đi lại người dân,” ông Paul Nef - Giám đốc Phát triển Kinh doanh công ty Honeywell Aerospace, nói.

Giới phân tích nhận định xu thế này sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Theo Airbus, số đơn đặt hàng máy bay ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang chiếm 36% tổng số đơn đặt hàng thế giới và tiếp tục tăng lên, do các nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong khu vực và cầu hành khách tăng.

Dự kiến đến năm 2032, nhu cầu máy bay mới trong khu vực là 11 nghìn chiếc máy bay với trị giá 1,8 nghìn tỷ USD. Trong xu thế này, Việt Nam cũng nhận được sự chú ý từ nhiều nhà sản xuất máy bay, cung cấp thiết bị và dịch vụ máy bay quốc tế.

Ông Paul Nef nói: “Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam cũng sẽ là một hiện tượng tương tự, kỳ vọng nhu cầu hàng không tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi so với khu vực trong thập kỷ tới. Với những loại thiết bị và dịch vụ hàng không mà Honeywell cung cấp, hy vọng chúng tôi sẽ có một thị phần đáng kể tại Việt Nam.”

Hiện đang có một số quan ngại rằng hàng không giá rẻ chỉ có thể cạnh tranh trên các chặng bay ngắn song không phải là đối thủ với các hãng hàng không truyền thống trong các đường bay dài.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của thế hệ các loại máy bay lớn tiết kiệm nhiên liệu mới xuất hiện, như Boeing 787 Dreamliner hay Airbus A350 XWB, hàng không giá rẻ hoàn toàn có thể là sự cạnh tranh công bằng và trao cho người dân cơ hội đi lại thuận tiện với chi phí thấp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục