Hàng không Đông Nam Á sẽ tăng trưởng chậm trong năm 2015

CAPA nhận định rằng tăng trưởng của ngành hàng không trong khu vực Đông Nam Á sẽ chậm lại trong năm nay mặc dù khu vực này sẽ vẫn là thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh nhất
Một máy bay của Malaysia Airlines, hãng chịu nhiều tổn thất trong năm 2014 (Nguồn: Getty)

Trung tâm hàng không châu Á-Thái Bình Dương (CAPA) nhận định rằng tăng trưởng của ngành hàng không trong khu vực Đông Nam Á sẽ chậm lại trong năm nay mặc dù khu vực này sẽ vẫn là thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh nhất.

Trong báo cáo phân tích hàng không mới nhất mang tên "Đông Nam Á - LCCs (hãng hàng không giá rẻ) vẫn thống trị chương trình nghị sự do tái cơ cấu", CAPA cho biết khu vực Đông Nam Á sẽ là một thị trường đầy thách thức và triển vọng trong năm nay.

Năm 2015 sẽ đánh dấu năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng chậm hơn và có khả năng là năm thứ hai liên tiếp hầu hết các hãng hàng không kết thúc trong "màu đỏ". Tuy nhiên, với điều kiện thị trường ngày càng cải thiện, giá nhiên liệu thấp hơn và nỗ lực tái cơ cấu sẽ phần nào giúp giảm thiểu thiệt hại, chuyển sang có lợi nhuận và tăng trưởng mới.

Theo CAPA, khu vực Đông Nam Á đã nổi lên trong thập kỷ qua là một trong những thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh nhất thế giới, thu hút sự chú ý của các nhà cung cấp toàn cầu. Sự tăng trưởng nhanh chóng chủ yếu được thúc đẩy bởi sự mở rộng nhanh chóng của LCCs - ở cả các tập đoàn độc lập và các công ty con của các tập đoàn cung cấp đầy đủ dịch vụ.

Dữ liệu cho thấy công suất LCCs ở Đông Nam Á đã tăng gấp tám lần lên đến gần 200 triệu chỗ ngồi trong năm 2014 từ khoảng 25 triệu chỗ ngồi năm 2004, trong khi đó các hãng cung cấp dịch vụ đầy đủ tăng 45% lên 260 triệu chỗ ngồi từ khoảng 180 triệu chỗ trong vòng 10 năm.

Các hãng cung cấp dịch vụ đầy đủ trong khu vực, trong đó có Philippine Airlines Inc (PAL), đang trong quá trình tái cơ cấu. PAL và Garuda Indonesia đã từ bỏ tham vọng trước đây về việc mở rộng thị trường sang châu Âu và hiện đang tập trung nhiều hơn vào quan hệ đối tác để bao phủ các thị trường đường dài, trong khi Singapore Airlines tập trung vào việc tăng cường sự hiện diện của mình tại châu Á-Thái Bình Dương bằng sử dụng cả dịch vụ đầy đủ và chi phí thấp thay vì theo đuổi mở rộng dịch vụ đầy đủ đường dài.

Các hãng hàng không Malaysia Airlines và Thai Airways đang phải đối mặt với những thách thức to lớn bởi họ đang cố gắng lấy lại thăng bằng và vạch ra một tương lai bền vững. Cả hai dự kiến ​​sẽ cắt mạng lưới đường dài và bắt đầu tập trung nhiều hơn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo CAPA, LCCs ở Đông Nam Á hiện có 538 máy bay và đang đặt hàng 1.186 máy bay mới. Số lượng máy bay của các hãng LCC trong năm 2014 tăng chậm lại đáng kể ở mức 13% so với 30% trong năm 2013. Tuy nhiên, CAPA đánh giá, điều kiện thị trường không thuận lợi trong năm 2014 sẽ được cải thiện trong năm 2015.

Các hãng Cebu Pacific (Philippines), Citilink (Indonesia) và Nok Air (Thái Lan) dự kiến ​​mỗi hãng sẽ mua thêm 5 máy bay trong năm nay, trong khi AirAsia có kế hoạch chỉ nhận về 5 chiếc A320 trong năm 2015 sau khi đã bán hoặc trì hoãn thời gian nhận 24 trong số 29 chiếc đáng lý phải nhận về. Tiger Airways và Jetstar Asia đều đã ngừng nhận thêm máy bay mới cho đến ít nhất là năm 2016.

CAPA cũng nhận định, LCCs bao gồm các hãng cung cấp đầy đủ dịch vụ và các công ty con hàng không giá rẻ vẫn đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng của ngành hàng không ở Đông Nam Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục