Các hãng hàng không Việt Nam đã sẵn sàng phương án khai thác và nguồn lực đưa công dân Việt ở Ukraine về nước, trong đó có việc sơ tán công dân tới các vùng được phép bay và an toàn, sau đó mới đưa máy bay tới đón.
Sẵn sàng cất cánh khi có chỉ lệnh
Hiện tại, vùng chiến sự, toàn bộ vùng trời Ukraine, một phần phía Tây Nam của Nga đã tạm đóng cửa với bay dân sự. Căn cứ vào tình hình thực địa, thực chiến và các yếu tố khác, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) xây dựng các phương án khác nhau để hạ cánh đón công dân.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết chọn 6 địa điểm xung quanh Ukraine với thời gian bay một chiều từ 9-14 tiếng. Cụ thể, đường bay từ Hà Nội- Warsaw (Ba Lan). Kế đó là Hà Nội-Budapest (Hungary), Hà Nội-Bratislava (Slovakia), Hà Nội-Moscow (Liên bang Nga), Hà Nội-Minsk (Belarus), Hà Nội-Bucharest (Romania).
“Các đường bay, phương thức bay, lực lượng phi công, tiếp viên, nhân viên kỹ thuật, các sân bay đến và dự bị đã được Vietnam Airlines liên hệ chuẩn bị phương án phục vụ…,” phía hãng bay này tiết lộ.
Mặt khác, Vietnam Airlines đang sở hữu đội tàu bay thân rộng gồm Airbus A350 và Boeing 787-9, 787-10 hiện đại, tầm bay thẳng đường dài liên tục đến các nước châu Âu hay Mỹ, có số ghế chuyên chở lớn là những yếu tố thuận lợi tiên quyết đầu tiên cho việc giải cứu người dân Việt đang mắc kẹt từ vùng chiến sự tại Ukraine.
Với tư cách là Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, Vietnam Airlines đã tiên phong, tham gia nhiều chiến dịch lớn của Chính phủ như đưa hàng trăm nghìn công dân Việt Nam từ hơn 30 quốc gia, vùng, lãnh thổ về nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; lập cầu hàng không sơ tán người lao động ở Lybia năm 2011 và 2014; hỗ trợ người Việt về nước trong thời điểm Nhật Bản bị động đất, sóng thần năm 2011; đưa hành khách thoát khỏi châu Âu do núi lửa phun trào năm 2010; giải cứu hành khách bị kẹt tại Thái Lan do khủng hoảng chính trị năm 2008; vận chuyển công dân Việt Nam trở về từ Malaysia, Trung Đông các năm 2005-2007...
“Vietnam Airlines liên tục tham gia giải cứu, bảo hộ công dân về nước rất nhiều lần trên khắp các châu lục từ nhiều năm trước. Những chuyến bay giải cứu này có một đặc biệt là sự chuẩn bị phải hết sức chu đáo, khẩn trương từ việc lựa chọn sử dụng máy bay; xin cấp phép bay qua các quốc gia, vùng lãnh thổ; lên phương án đường bay như thế nào để đảm bảo an toàn. Ngay khi nhận được sự phân công, hãng sẽ quyết tâm thực hiện với trọng trách của cấp trên giao phó, sự tin cậy và gửi gắm niềm tin của nhân dân,” lãnh đạo Vietnam Airlines nhấn mạnh.
[Các hãng bay sẵn sàng giải cứu người Việt Nam từ Ukraine về nước]
Về tiêu chuẩn lựa chọn phi hành đoàn đi giải cứu người Việt ở vùng chiến sự hay vùng dịch, Vietnam Airlines luôn lựa chọn những người có nhiều giờ bay, có kinh nghiệm. Tiếp viên là các tiếp viên trưởng, những người có kinh nghiệm trong xử lý tình huống.
Trong khi đó, Bamboo Airways sẵn sàng thực hiện ngay 7 đường bay kết nối từ Hà Nội đến Prague (Cộng hòa Séc), Bucharest (Romania), Warsaw (Ba Lan), Budapest (Hungary), Bratislava (Slovakia), Moscow (Nga), Minsk (Belarus) để thực hiện nghĩa vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam. Hãng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để thực hiện an toàn và thành công các chuyến bay này.
Hãng hàng không Vietjet cũng đã có đề xuất tới cơ quan chức năng sẽ tổ chức chuyến bay miễn phí đưa công dân Việt Nam tại Ukraine về nước từ thành phố Warsaw (Ba Lan). Thời gian chuyến bay từ Ba Lan về nước dự kiến vào ngày 6/3/2022.
An toàn của công dân và chuyến bay giải cứu là hàng đầu
Hiện tại, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã thông báo về việc đóng cửa không phận tại Moldova, Ukraine và một phần vùng thông báo bay (FIR) của Cộng hòa Liên bang Nga. Do đó, nếu có chuyến bay, công dân Việt Nam sẽ được trung chuyển tới các vùng an toàn và được phép thực hiện chuyến bay để di chuyển về nước.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết ngoài các điểm trên, các hãng hàng không Việt Nam sẽ sẵn sàng khai thác bất cứ điểm nào khác theo phương án cụ thể của Chính phủ trên nguyên tắc đảm bảo an toàn và tạo thuận lợi tối đa cho người Việt Nam và thành viên gia đình tại Ukraine về nước.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao, hiện có khoảng 7.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Ukraine và chưa có thiệt hại.
[Thủ tướng ban hành Công điện về bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine]
Về công tác bảo hộ công dân, phía Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine thường xuyên liên hệ, chủ động trao đổi với cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine để nắm tình hình, cử cán bộ trực đường dây nóng bảo hộ công dân 24/24, sẵn sàng tiếp nhận thông tin, kịp thời hỗ trợ bà con; trao đổi, đề nghị các cơ quan chức năng sở tại có biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho công dân và doanh nghiệp Việt Nam tại Ukraine.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở Ba Lan, Nga, Romania, Hungary, Slovakia trực đường dây nóng bảo hộ công dân; trao đổi và phối hợp cơ quan chức năng sở tại cập nhật tình hình người Việt từ Ukraine sang, đề nghị tạo thuận lợi cho việc nhập cảnh, quá cảnh và lưu trú tạm thời, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho người Việt Nam; phối hợp với các hội đoàn cộng đồng hỗ trợ người sơ tán. Bộ Ngoại giao cũng đã đề nghị các nhà chức trách của các bên liên quan tạo hành lang an toàn cho bà con ta sơ tán.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, tính đến chiều 2/3 giờ Việt Nam, cơ bản hầu hết kiều bào ở Kiev và ở Odessa, hàng trăm người ở Kharkov đã được sơ tán khỏi khu vực, đã và đang được bố trí sang các nước lân cận. 140 người đã từ Ukraine sang Ba Lan và hiện ở Warsaw; 70 người đã sang Romania; khoảng 220 người đã sang đến Moldova và sau đó sẽ được bố trí sang Romania; khoảng 30 người đã tới Hungary.
Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kế hoạch sơ tán công dân và sẽ phối hợp các hãng hàng không sớm tổ chức các chuyến bay về nước theo lộ trình phù hợp với tình hình thực tế./.
Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần thiết, cộng đồng liên hệ theo số điện thoại/email sau: Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine: +380 63 863 8999; email: vnemb.ua@mofa.gov.vn Tổng đài Bảo hộ Công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84 ; email: baohocongdan@gmail.com Tổng đài Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao: +84 24 38240 401, máy lẻ 0 hoặc 100 (ngoài giờ hành chính) hoặc 141, 269 (trong giờ hành chính); email: vu1.ubnv@gmail.com./. |