Hàng hóa về chợ đầu mối tại Thành phố Hồ Chí Minh dồi dào cho dịp Tết

Ban quản lý chợ Thủ Đức đánh giá mặt hàng rau, củ, quả, trái cây... cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 không có tình trạng thiếu nguồn cung, khan hàng hay tăng giá.
Cán bộ Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra trái cây, hóa đơn mua bán tại Chợ nông sản Thủ Đức. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Tối 18/1 và sáng 19/1, đoàn công tác sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai khảo sát và làm việc với các chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn Thành phố về công tác chuẩn bị nguồn cung và cung ứng hàng hóa ra thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng đã đánh giá tình hình những mặt hàng nông sản, hoa tươi và sản phẩm thiết yếu khác.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Nhu, Phó giám đốc Công ty cổ phần quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho biết hiện chợ có 1.424 điểm kinh doanh, với tổng số thương nhân kinh doanh là 945 người; trong đó, ngành hàng rau có 590 ô vựa, trái cây 712 ô vựa, hoa 92 ô vựa và 30 điểm kinh doanh phục vụ ăn uống.

[TP.HCM nỗ lực đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán]

Dự báo lượng hàng nhập chợ phục vụ Tết trong thời gian cao điểm từ ngày 26-28 tháng Chạp âm lịch sẽ đạt 5.500-6.500 tấn/ngày, tương đương cùng kỳ Tết năm trước.

Đơn cử, lượng rau dao động từ 2.300-2.600 tấn/ngày; trái cây 2.500-4.500 tấn/ngày. Riêng lượng hoa nhập trong năm nay có thể dao động từ 330-350 tấn/ngày.

Trên cơ sở đó, Ban quản lý chợ Thủ Đức đánh giá mặt hàng rau, củ, quả, trái cây... cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 không có tình trạng thiếu nguồn cung, khan hàng hay tăng giá.

Cụ thể, bưởi da xanh 80.000 đồng/kg chỉ tăng 6,7% so với cùng kỳ Tết năm trước; quýt đường 70.000 đồng/kg (tăng 16,7%), mãng cầu tròn 75.000 đồng (tăng 6,7%); dưa hấu dài 12.000 đồng/kg, dưa hấu sọc 16.000 đồng; xoài cát Hòa Lộc 90.000 đồng/kg... có giá ổn định so với cùng kỳ Tết năm trước.

Trái cây bày bán tại Chợ nông sản Thủ Đức. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Nhu, từ ngày 26 tháng Chạp âm lịch, chợ Thủ Đức mở cửa kinh doanh 24/24, do đó nhiều thương lái nên ưu tiên chọn thời điểm nhập hàng ban ngày, để thuận lợi về bến bãi, giao thông, cơ sở hạ tầng...

Phương án mở cửa kinh doanh 24/24 và khuyến khích nhập hàng ban ngày cho thấy hiệu quả trong phân bố lượng hàng cung ứng kịp thời cho mạng lưới kinh doanh, phân phối và khơi thông hàng hóa nhanh chóng đến tay người tiêu dùng.

Ghi nhận tại hệ thống chợ đầu mối nông sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều mặt hàng rau củ, quả có tín hiệu giảm giá, do nguồn cung dồi dào, gồm cà chua, dưa leo, cải sậy, su su...

Ngoài ra, ở ngành hàng rau củ, quả như bắp cải, cà rốt, cà chua, xà lách... có sản lượng dồi dào, nên dự báo giá cả thuận lợi cho người tiêu dùng thành phố.

Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, ông Lê Văn Tiển - Phó giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho hay dự báo trong 6 ngày cao điểm (từ ngày 25-30 tháng Chạp Âm lịch), lượng hàng nhập chợ sẽ tăng ở mức 50-70% so với ngày thường.

Cụ thể, kể từ ngày 26 tháng Chạp Âm lịch được dự báo sẽ tăng cao nhất và đạt khoảng 4.500 tấn (tăng 70% so với ngày bình thường).

Riêng sản lượng lợn nhập chợ ổn định trong 34 ngày qua, dao động ở mức từ 260-360 tấn/ngày. Giá lợn hơi ổn định ở mức cao nhất là 83.000 đồng/kg, giá lợn mãnh giảm từ 118.000 đồng/kg xuống còn 100.000 đồng/kg (giảm gần 15% so với thời điểm trước đó).

"Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, lượng thịt lợn nhập chợ có giảm nhiều, tuy nhiên trong thời gian qua, Bộ, ngành và Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả đã giúp lượng hàng về chợ ổn định hơn về sản lượng, cũng như giá cả. Theo các thương lái, sản lượng thịt lợn sẽ đảm bảo đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường Tết," ông Lê Văn Tiển cho biết thêm.

Qua khảo sát và làm việc với hệ thống chợ đầu mối nông sản thực phẩm, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phốHồ Chí Minh cho rằng, Ban quản lý các chợ cần quản lý và kiểm tra hàng hóa khi vào chợ đảm bảo đúng quy trình quản lý; trong đó, hàng hóa vào chợ phải được đăng ký lượng hàng, nguồn gốc xuất xứ và vận chuyển vào điểm kinh doanh cụ thể.

Đối với hàng ngoại nhập, bà Nguyễn Huỳnh Trang đề nghị Ban quản lý chợ kiểm soát việc xuất trình chứng từ vận chuyển, giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu...

Mặt khác, Ban quản lý các chợ cần tăng cường tuyên truyền để thương nhân sắp xếp phương tiện vận tải chở hàng nhập chợ, tránh ùn tắc giao thông tại chợ trong thời gian cận Tết.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Ban quản lý các chợ phải chủ động bám sát tình hình diễn biến giá cả, sức mua thị trường để kịp thời có phương án xử lý khi xuất hiện tình trạng biến động.

Đặc biệt, Ban quản lý các chợ chú trọng bình ổn thị trường tốt những mặt hàng dự báo có thể tăng sức mua như rau củ, quả, trái cây, nông sản, hoa.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục