Hàng hóa liên vận quốc tế đường sắt tăng trưởng, bù lỗ vận tải khách

Vận tải hàng hóa tăng trưởng là kết quả từ các giải pháp chuyển dịch cơ cấu vận tải, tập trung thúc đẩy vận tải hàng hóa, xác định vận tải hàng hóa là trọng tâm.
Ngành đường sắt chuyển hướng sang ưu tiên vận chuyển hàng hóa nhằm đem lại doanh thu trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến lượng khách đi tàu giảm sâu. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), năm 2021, hàng liên vận quốc tế tăng trưởng về sản lượng và doanh thu đã bù đắp cho vận tải hành khách bị sụt giảm do dịch COVID-19.

Cụ thể, dự kiến cả năm 2021, hàng liên vận quốc tế xuất qua cả hai ga cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng đạt hơn 508.000 tấn, tăng khoảng 32% so cùng kỳ 2020, doanh thu tăng khoảng 2%.

Chiều hàng nhập liên vận quốc tế dự kiến đạt hơn 635.000 tấn, tăng hơn 38% so cùng kỳ 2020, doanh thu tăng khoảng 16%.

Phía VNR đã tập trung vào việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu chuyên tuyến, tăng tỷ trọng vận tải hóa bằng container và đẩy mạnh vận chuyển hàng liên vận quốc tế giữa Việt Nam-Trung Quốc và quá cảnh đi châu Âu, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á. Trong năm 2021, VNR đã đưa vào khai thác sản phẩm dịch vụ mới là đoàn tàu container liên vận quốc tế chạy thẳng châu Âu.

[Đường sắt khai trương đoàn tàu container đầu tiên từ Việt Nam sang Bỉ]

“Tổng công ty đã tổ chức thêm các đoàn tàu hàng bù vào phần năng lực chạy tàu dư thừa do tàu khách bị cắt giảm. Nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát ổn định, vận tải đường sắt sẽ phát triển vì hàng hóa vẫn liên tục tăng nhờ dịch vụ tốt hơn. Ngành đường sắt sẽ tập trung nâng cao sản lượng hàng hóa, ưu tiên chạy tàu hàng vì khách hàng ổn định, số lượng lớn," ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt cho hay.

Tuy nhiên, người đứng đầu VNR cũng thừa nhận rào cản lớn nhất đối với vận tải hành hóa chính là cơ sở hạ tầng đường sắt nên Nhà nước cần “rót vốn” đầu tư vào các hạng mục nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới bãi hàng, kho hàng tại các ga xếp dỡ hàng hóa trọng điểm để tăng năng lực xếp dỡ thông qua…

Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, tổng nhu cầu vốn đến năm 2030 để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt khoảng 240.000 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục