Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam vừa cho biết, theo thống kê, sản lượng hàng hóa container qua hệ thống cảng biển Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021 vẫn có mức tăng trưởng 2 con số với mức tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt gần 16,8 triệu TEUs.
Hàng xuất khẩu ước đạt hơn 5,4 triệu TEUs, tăng 16%; hàng nhập khẩu ước đạt hơn 5,5 triệu TEUs, tăng tới 21% so với cùng kỳ năm trước.
Một số khu vực cảng biển có sản lượng hàng container thông qua cao nhất tính trong 7 tháng đầu năm 2021 như: khu vực Quảng Nam tăng hơn 115%, khu vực Mỹ Tho tăng 41%, khu vực Hải Phòng tăng hơn 17%, khu vực Thành phố Hồ Chí Minh tăng gần 16%.
Bên cạnh đó, một số khu vực cảng biển có lượng hàng container giảm mạnh như: khu vực Quảng Ninh giảm 98%, khu vực Đà Nẵng giảm 38%, khu vực Cần Thơ giảm 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 480,4 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020.
Mức tăng này thấp hơn các tháng trước do một số khu vực cảng biển có lượng hàng thông qua lớn khu vực phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố về các giải pháp cấp bách liên quan đến nguồn lao động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hạn chế sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trong đại dịch COVID-19.
Đáng chú ý, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu thống nhất quy định về điều kiện đi lại cho công nhân cảng trong mùa dịch.
[Khối lượng hàng container xuất nhập khẩu tăng trưởng hai con số]
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, việc thực hiện giãn cách nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ để phòng, chống sự lây lan của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến lực lượng công nhân, người lao động của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp cảng biển nói chung.
Đơn cử, tại cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh), thời điểm căng thẳng nhất, lực lượng lao động cần kíp cho sản xuất đã bị thiếu hụt 50%, chỉ còn 250 người do đội ngũ công nhân có nhiều người nằm trong các khu dân cư bị phong tỏa, quy định hạn chế đi lại giữa các địa phương có dịch.
Trong khi đó, lực lượng nhân sự cần thiết bắt buộc phải có mặt tại hiện trường duy trì hoạt động khai thác trong ngày (3 ca sản xuất tiếp nhận trung bình 12 chuyến tàu container xuất nhập khẩu) là 500 người, chưa kể nhân viên hải quan, hãng tàu và cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
Để giải quyết bất cập trên, Cục Hàng hải Việt Nam, doanh nghiệp cảng và hiệp hội cảng biển đã gửi kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét cho phép số lượng lao động cần kíp trong dây chuyền sản xuất của cảng nếu không cư trú tại các khu vực bị phong tỏa được phép lưu thông đến cảng làm việc.
Trong một diễn biến liên quan, nhận định các kịch bản phát triển cảng biển phía Nam gắn với tình hình kiểm soát dịch COVID-19, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, thời gian qua, các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết được phát huy, hoạt động xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay tăng trưởng tích cực.
Dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn khởi sắc trong những tháng cuối năm, kéo theo tăng trưởng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khi dịch bệnh sớm được kiểm soát, các hiệp định thương mại tự do được thực hiện toàn diện, hiệu quả.
Trên cơ sở phân tích, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng của các cảng biển khu vực phía Nam.
Trong đó, kịch bản số 1, dịch COVID-19 tại Việt Nam được kiểm soát vào cuối quý 3/2021, vaccine phòng dịch được tiêm chủng trên diện rộng, doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng từ 5-7%, khu vực Cái Mép sẽ tăng từ 12-15% so với 6 tháng đầu năm.
Nguyên nhân do các hãng tàu chủ động điều chuyển hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh ra để đảm bảo nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp.
Kịch bản thứ 2, dịch bệnh được kiểm soát vào đầu quý 4/2021, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh dự báo tăng từ 3-5%, khu vực Cái Mép tăng từ 15-17% do hãng tàu, khách hàng tăng cường chuyển đổi hàng hóa về Cái Mép và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai quy định thu phí hạ tầng cảng biển từ tháng 10/2021.
Còn kịch bản thứ 3 là dịch bệnh được kiểm soát vào giữa quý 4/2021, doanh nghiệp dần phục hồi sản xuất vào các tháng cuối năm với đà phục hồi chậm hơn so với thời điểm thông thường do ảnh hưởng thời gian dài giãn cách. Dự kiến, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh và Cái Mép sẽ tương đương với 6 tháng đầu năm./.