Hãng hàng không quốc gia Garuda của Indonesia đã ngừng hoạt động đối với 2/3 đội bay do các vấn đề thuê liên quan đến hợp đồng thuê và bảo trì máy bay.
Trong một thông cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Indonesia vào ngày 9/6, Garuda cho biết họ chỉ còn vận hành 53 máy bay trong tổng số 142 chiếc thuộc đội bay của mình.
Garuda cho biết thêm rằng trong số các máy bay bị ngừng hoạt động, 39 chiếc đang được bảo dưỡng. Tuy nhiên, công ty không nói rõ tình trạng của 50 chiếc còn lại, trong đó hầu hết là các máy bay Boeing 737-800 và Bombardier CRJ1000.
Ban lãnh đạo Garuda cho hay: "Đại dịch COVID-19 đã làm giảm số lượng máy bay đang hoạt động và chỉ còn 53 chiếc đang được khai thác cho hoạt động kinh doanh của công ty vào lúc này."
[Garuda Indonesia áp dụng công nghệ đám mây nhằm tiết kiệm chi phí]
Thông cáo khẳng định rằng công ty vẫn đang đàm phán với các công ty cho thuê máy bay để tiếp tục khai thác hoặc trả lại.
Hãng hàng không có niêm yết cổ phiếu này đã phải đối mặt với các vấn đề tài chính trầm trọng do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong nước và quốc tế xuống thấp kỷ lục.
Garuda đang tìm cách trả lại nhiều máy bay thuê, vốn chiếm tới 95% đội bay của hãng hàng không thuê này, nhằm cắt giảm chi phí hoạt động.
Đến thời điểm này, Garuda vẫn chưa nộp báo cáo tài chính năm 2020, song báo cáo tài chính quý 3 cho thấy mức lỗ ròng lên tới 1,07 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2020.
Trong khi đó, Bộ Doanh nghiệp Nhà nước (BUMN) ước tính rằng hãng này còn có khoản nợ hơn 4,5 tỷ USD và đang phải gánh thua lỗ hơn 100 triệu USD mỗi tháng.
Trước thực trạng này, Garuda đang tìm cách tiết kiệm chi phí bằng cách cắt giảm tiền lương, hoãn trả lương, đẩy nhanh chương trình nghỉ hưu sớm và chấm dứt hợp đồng với hàng loạt lao động. Thông cáo cho biết công ty còn hơn 23 triệu USD tiền lương chưa thanh toán tính đến ngày 31/12/2020.
Trước đó hôm 3/6, Thứ trưởng BUMN, ông Kartika Wirjoatmodjo cho biết Garuda đang tìm cách hoãn thanh toán nợ trong một nỗ lực nhằm tránh bị phá sản.
Phát biểu tại phiên điều trần trước Hạ viện, ông Wirjoatmodjo cho hay Garuda và Chính phủ đã chỉ định các nhà tư vấn pháp lý và tài chính để bắt đầu quá trình này và "bắt buộc phải thực hiện ngay lập tức việc hoãn trả nợ trong tương lai gần."
Theo ông Wirjoatmodjo, nếu không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ, hãng hàng không do nhà nước nắm cổ phần chi phối này có thể bị phá sản.
Ông Wirjoatmodjo cũng tiết lộ rằng các vấn đề của Garuda nghiêm trọng hơn nhiều không chỉ do COVID-19. Vấn đề chính trong quá khứ của hãng hàng không số một Indonesia là chi phí thuê máy bay vượt quá chi phí hợp lý./.