Trả lời về các giải pháp giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến bay, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết thêm, nguyên nhân chậm, hủy chuyến hiện nay chủ yếu tới từ lý do khai thác của các hãng hàng không.
Theo ông Thắng, tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay của Việt Nam hiện vào khoảng 15%, so với các nước trong khu vực không phải cao. Tuy nhiên, có một số chuyến bay bị chậm kéo dài, nhưng các hãng ứng xử với hành khách chưa chuyên nghiệp, gây ra bức xúc.
“Tới đây, Cục Hàng không sẽ bổ sung thêm chế tài, nếu Slot bay (giờ hạ, cất cánh) của hãng nào có tỷ lệ chậm, hủy chuyến cao sẽ bị thu hồi Slot bay, đồng thời yêu cầu các hãng hàng không bổ sung thêm máy bay dự bị, để tăng khả năng điều động dự phòng,” ông Thắng nói.
[Hãng hàng không mất cả trăm USD chỉ vì 1 phút chậm hủy chuyến]
Theo người đứng đầu ngành hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ thành lập 2 trung tâm điều hành sây bay. Trung tâm này sẽ gồm đại diện các hãng hàng không, các đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất để phối hợp điều, điều phối, nhằm giảm số chuyến bay chậm, hủy.
Trước đó, vào ngày 13/3 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định thanh tra công tác quản lý năng lực khai thác và điều phối giờ hạ, cất cánh tại các cảng hàng không, sân bay đối với Cục Hàng không Việt Nam và một số đơn vị có liên quan.
Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2018 đến thời điểm thanh tra và các thời kỳ khác có liên quan. Việc điều phối giờ hạ, cất cánh tại sân bay hiện do Hội đồng quản lý Slot thực hiện.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng và thành viên là ACV, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, các hãng hàng không… Việc điều phối Slot thực hiện theo nguyên tắc chỉ cấp tối đa 85% năng lực, theo đúng khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO)./.