Hàng hải chuẩn hóa toàn bộ thủ tục hành chính lên mức độ 4

Cục Hàng hải Việt Nam sẽ nâng cấp 3 thủ tục hành chính cho tàu, thuyền xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh tham gia cơ chế một cửa quốc gia lên mức độ 4 (có thu phí điện tử) trong giai đoạn 2019-2020.
Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại Cảng Container Quốc tế Hải Phòng. (Nguồn: TTXVN)

Đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho biết Cục vừa ban hành chương trình kế hoạch số 07/CTr/ĐU của Đảng ủy Cục Hàng hải Việt Nam về thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” giai đoạn 2019-2025.

Đáng chú ý tại kế hoạch này, việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống thủ tục hành chính hiệu quả, minh bạch, tạo thuận lợi và giảm tối đa chi phí cho cá nhân, tổ chức liên quan là 1 trong 9 nội dung quan trọng được Cục Hàng hải xác định phải thực hiện mạnh mẽ trong thời gian tới.

Cụ thể, giai đoạn 2019-2020, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện rà soát các thủ tục hành chính và đề xuất hướng cắt giảm thủ tục hành chính cho phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư, xây dựng cảng biển; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian bãi bỏ hoặc thay thế các loại giấy tờ phải nộp trong hồ sơ, hạn chế việc nộp hoặc xuất trình bản chính trong khi làm thủ tục.

[Dịch vụ công trực tuyến là nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử]

"Đặc biệt, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông Vận tải), các cơ quan liên quan nâng cấp 3 thủ tục hành chính cho tàu, thuyền xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh tham gia cơ chế một cửa quốc gia lên mức độ 4 (có thu phí điện tử) trong giai đoạn 2019-2020. Đến năm 2020 sẽ thực hiện nâng cấp mức độ 4 đối với toàn bộ thủ tục hành chính thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia,” văn bản do Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Xuân Sang ký nêu rõ.

Cùng với việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Cục Hàng hải Việt Nam cũng xây dựng kế hoạch tiếp tục phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ thủ tục hành chính, đẩy mạnh công tác phối hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu điện tử để việc giải quyết thủ tục hành chính giữa Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, các cảng vụ hàng hải và các bộ, ngành, địa phương liên quan được đồng bộ, hiệu quả.

Theo đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, sau khi Bộ luật Hàng hải năm 2015 được Quốc hội thông qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải được công bố là 101 thủ tục; trong đó có 21 thủ tục được đề xuất cắt giảm, đạt 21,7%.

Về dịch vụ công trực tuyến, Cục Hàng hải Việt Nam là cơ quan đi đầu trong việc tham gia thực hiện cơ chế một cửa quốc gia ngay từ giai đoạn 1 (năm 2014). Hiện, Cục Hàng hải Việt Nam đã xây dựng lộ trình, triển khai 58 thủ tục hành chính mức độ 2; 39 thủ tục cung cấp trực tuyến mức độ 3; 9 thủ tục về quản lý thuyền viên cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Để nâng cao sự minh bạch trong quản lý nhà nước, đem lại lợi ích về thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, từ năm 2018, Cục Hàng hải Việt Nam đã mở rộng cơ chế một cửa quốc gia đối với thực hiện cung cấp 11 thủ tục hành chính lĩnh vực hàng hải trên cổng thông tin một cửa quốc gia tại toàn bộ 25 cảng vụ hàng hải. Theo thống kê, tổng số hồ sơ điện tử được 25 cảng vụ hàng hải tiếp nhận, phê duyệt từ ngày 1/1/2019-15/6/2019 là hơn 41.100 hồ sơ, đạt tỷ lệ 92%.

Theo quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, theo đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục