Hang Grotte Chauvet ở Pháp nhận danh hiệu Di sản thế giới

UNESCO đã trao tặng danh hiệu Di sản thế giới cho hang Grotte Chauvet ở miền Nam nước Pháp, nơi có những bức vẽ được cho là xuất hiện sớm nhất trên thế giới.
Hang Grotte Chauvet ở Pháp nhận danh hiệu Di sản thế giới ảnh 1Một trong những bức họa trong hang. (Nguồn: AFP)

Ngày 22/6, UNESCO đã trao tặng danh hiệu Di sản thế giới cho một hang động thời tiền sử ở miền Nam nước Pháp, nơi có những bức vẽ được cho là xuất hiện sớm nhất trên thế giới.

Đoàn đại biểu của Hội đồng Di sản Thế giới thuộc UNESCO đã nhất trí trao danh hiệu cho hang Grotte Chauvet vì những dấu tích văn hóa và tự nhiên đáng kinh ngạc.

Nằm ở vùng Archede, hang Grotte Chauvet được phát hiện vào năm 1994. Bên trong hang có hơn 1000 bức vẽ có niên đại khoảng 36000 năm về trước và được cho là bằng chứng về văn hóa loài người sơ khai ở châu Âu.

"Hang Grotte Chauvet đã lưu giữ những thể hiện sớm nhất về sáng tạo nghệ thuật của người Aurignacian, cũng là những bức vẽ lâu đời nhất trên thế giới," UNESCO cho biết.

Theo UNESCO, "hơn 1000 bức vẽ với tổng diện tích 8500m2 cũng như tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao của chúng đã khiến hang Grotte Chauvet trở thành một bằng chứng sống động về nghệ thuật thời tiền sử."

Cách đây 23000 năm, một trận lở đá đã chôn vùi cửa hang xuống 25m dưới lòng đất. Cái hang giữ nguyên hiện trạng như vậy cứ như vậy cho tới khi được 3 chuyên gia hang động người Pháp phát hiện năm 1994, và gần như ngay lập tức trở thành di sản cần được bảo vệ.

"Sự nguyên vẹn và tính xác thực của những gì trong hang là vô cùng hiếm có, và là kết quả của việc cái hang đã được niêm phong suốt 23 thiên niên kỷ," UNESCO cho biết.

Hang Grotte Chauvet dài khoảng 80m và chia thành nhiều nhánh, nơi cao nhất trong hang có độ cao 18 mét. Những bức vẽ trong hang thể hiện những đôi bàn tay người và hình ảnh các loài động vật như voi mamut, mèo rừng, tê giác, bò rừng bison, gấu và bò rừng châu Âu. Trong hang còn có dấu chân và xương của những động vật thời tiền sử được cho là đã ngủ đông tại đây.

Việc tiếp cận hang vô cùng hạn chế và mới chỉ có chưa tới 200 nhà nghiên cứu mỗi năm được vào hang. Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ phát hiện thêm nhiều điều mới ở những nơi khác trong hang. Họ cho rằng cái hang chưa bao giờ là nơi ở của con người mà là một thánh địa, được các pháp sư sử dụng làm nơi tiến hành các nghi lễ.

Do không được cho du khách vào tham quan trong hang, các nhà chức trách đang tiến hành xây dựng một bản sao của hang Grotte Chauvet gần đó. Dự kiến địa điểm này sẽ mở cửa vào mùa Xuân năm 2015./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục