Hãng Gallup: Người dân Mỹ coi khủng bố là vấn nạn hàng đầu

Theo khảo sát công bố ngày 15/12 của hãng Gallup, cứ 6 người được hỏi thì có 1 người coi chủ nghĩa khủng bố là vấn đề quan trọng hàng đầu tại Mỹ, tương đương với tỷ lệ 16%.
Hãng Gallup: Người dân Mỹ coi khủng bố là vấn nạn hàng đầu ảnh 1(Nguồn: gallup.com)

Sau các vụ tấn công khủng bố tại Pháp và tại thành phố San Bernardino của bang California vừa qua, người dân Mỹ giờ đây nhìn nhận chủ nghĩa khủng bố là vấn nạn hàng đầu tại nước này.

Theo khảo sát công bố ngày 15/12 của hãng Gallup, cứ 6 người được hỏi thì có 1 người coi chủ nghĩa khủng bố là vấn đề quan trọng hàng đầu tại Mỹ, tương đương với tỷ lệ 16%, cao hơn so với mức 3% của tháng 11 vừa qua.

Đây cũng là tỷ lệ người Mỹ có nhận định về sự nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố cao nhất kể từ khi xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ khiến 3.000 người thiệt mạng. Tỷ lệ này vào thời điểm đó là 45%.

Theo khảo sát của hãng Gallup, chủ nghĩa khủng bố đã trở thành đề tài được nhắc đến thường xuyên nhất khi người Mỹ được hỏi về những vấn nạn hàng đầu tại nước này.

Trong giới chính trị gia, nghị sỹ đảng Cộng hòa bày tỏ quan ngại về sự nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố nhiều hơn cả.

Theo Gallup, có tới 24% số nghị sỹ Cộng hòa được hỏi coi khủng bố là vấn nạn hàng đầu, trong khi tỷ lệ này ở nghị sỹ Dân chủ là 9% và nghị sỹ độc lập là 15%. Tất cả mức này đều cao hơn so với kết quả khảo sát thực hiện vào tháng 11 vừa qua lần lượt là 4%, 3% và 2%.

Trong khi vấn đề khủng bố trở thành chủ đề đáng quan ngại đối với người dân Mỹ, vấn đề kinh tế lại khiến ít người quan tâm hơn. Chỉ có 9% số người Mỹ được hỏi coi đây là vấn đề quan trọng nhất, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2007, trước thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Vụ tấn công khủng bố tại Paris (Pháp) ngày 13/11 vừa qua được coi là vụ bạo lực đẫm máu nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II, khiến 130 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Nhóm thánh chiến “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã nhận thực hiện vụ tấn công này. Hiện tại, giới chức trách Mỹ cũng đang điều tra sự liên quan của IS với vụ tấn công tại trung tâm đào tạo người khuyết tật ở thành phố San Bernardino, khiến hơn 30 người thương vong.

Điều tra ban đầu cho thấy, hai nghi can trong vụ xả súng trên, là Tashfeen Malik và Syed Farook đã nhiễm tư tưởng cực đoan từ ít nhất 2 năm trước, trước khi chúng gặp nhau và kết hôn, đồng thời đã bắt đầu có các cuộc trao đổi qua mạng về "thánh chiến và tử vì đạo" vào khoảng đầu năm 2013./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục