4,35 tỷ USD là khoản tiền mà hãng dược phẩm quốc tế Teva Pharmaceutical Industries, có trụ sở tại Israel, đề xuất chi trả để dàn xếp hàng nghìn vụ kiện liên quan tới bê bối thuốc giảm đau gây nghiện nhóm opioid tại Mỹ.
Trong khoản tiền trên, Teva sẽ trả tới 3,7 tỷ USD tiền mặt cho các chính quyền bang và địa phương của Mỹ trong vòng 13 năm cùng với khoản đóng góp trị giá 1,2 tỷ USD cho thuốc naloxone điều trị quá liều opioid.
Hãng cũng sẽ bồi thường khoảng 100 triệu USD cho các bộ lạc người Mỹ bản địa và trả phí luật sư cho các bang, chính quyền địa phương và bộ lạc.
Số tiền mặt mà Teva đồng ý chi trả lần này cao hơn mức mà Giám đốc điều hành hãng này Kare Schultz đề xuất tháng 5. Vào thời điểm đó, ông Schultz đã nói với các nhà phân tích rằng ông dự kiến công ty sẽ trả khoảng 2,6 tỷ USD tiền mặt và thuốc để dàn xếp các vụ kiện trên toàn quốc.
Người đứng đầu cơ quan tư pháp bang Iowa Tom Miller gọi đây là "một bước đi quan trọng khác trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau gây nghiện nhóm opioid."
Ông nêu rõ: "Chúng tôi kỳ vọng những khoản tiền này sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể trong việc ngăn ngừa sử dụng (opioid) quá liều gây tử vong và điều trị chứng rối loạn nghiện opioid."
Đề xuất dàn xếp của Teva vẫn cần được đủ số lượng chính quyền bang và địa phương đồng ý chấp nhận các điều khoản. Teva đã đồng ý dàn xếp với các bang West Virginia, Texas, Florida, Rhode Island và Louisiana.
[Mỹ trừng phạt các công ty sản xuất thuốc giảm đau của Trung Quốc]
Giá trị của những khoản tiền bồi thường đó sẽ được tính trong khoản thanh toán tiền mặt 3,05 tỷ USD được đề xuất. Bang New York sẽ không tham gia việc dàn xếp này và sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lý chống lại Teva.
Các loại thuốc giảm đau gây nghiện opioid được cho là có liên quan cái chết của hơn 500.000 người vì dùng thuốc quá liều tại Mỹ trong khoảng 20 năm qua. Chỉ tính riêng năm 2021, con số trên là hơn 80.000 người.
Chính quyền các bang, thành phố và khu vực của Mỹ đã nộp hơn 3.000 đơn kiện, cáo buộc các nhà sản xuất cũng như nhà phân phối opioid chủ đích dùng nhiều chiêu thức tiếp thị để khuyến khích kê đơn các sản phẩm của mình và che giấu các thông tin về khả năng thuốc gây nghiện.
Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố chiến lược nhằm chấm dứt tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau nhóm opioid, trong đó có việc tăng tiền để thực thi pháp luật và tăng trừng phạt các đối tượng buôn lậu thuốc./.