Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, sau hơn 1 tuần thực hiện cách ly xã hội, thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội bảo đảm ổn định.
Ngoài ra, nguồn hàng hoá dồi dào, các siêu thị vừa chủ động nguồn cung vừa thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch COVID-19.
[Tất cả 63 tỉnh, thành đã có phương án cung ứng hàng hóa theo 5 cấp độ]
- Thành phố Hà Nội đang trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. Xin bà cho biết về tình hình cung ứng, tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn thành phố những ngày qua?
Bà Trần Thị Phương Lan: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4.
Do đã có phương án dự trữ hàng hóa và bảo đảm nguồn cung, nên các siêu thị, hệ thống phân phối đã khẩn trương tăng cường điều tiết, bổ sung đủ hàng hóa đến điểm bán và sẵn sàng mở cửa muộn hơn.
Trong những ngày qua, không có hiện tượng khan hiếm hàng. Giá các mặt hàng ổn định. Từ ngày 1/4 đến nay, lượng khách đến mua sắm tại các hệ thống phân phối bình thường, một số nơi vắng hơn do người dân hạn chế ra ngoài khi thực hiện cách ly xã hội.
Bên cạnh đó, các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử để phục vụ nhu cầu nhân dân. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, đã có 11.748 website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng được tiếp nhận, chấp thuận.
- Hiện, hàng hóa dự trữ tại các doanh nghiệp cung ứng như thế nào, thưa bà?
Bà Trần Thị Phương Lan: Theo báo cáo của doanh nghiệp gửi Sở Công Thương, lượng hàng dự trữ tăng gấp 4-5 lần ngày bình thường.
Cùng với đó, các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ phục vụ người dân mua sắm.
- Số lượng các siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội:
- Vậy năng lực sản xuất, cung ứng thực phẩm của các đơn vị trên địa bàn thành phố hiện nay ra sao?
Bà Trần Thị Phương Lan: Hà Nội hiện có 69.459 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 24 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 718 điểm giết mổ thủ công và 454 chợ, 141 siêu thị, 25 trung tâm thương mại.
Ngoài ra, thành phố cũng đã phát triển 5.044ha trồng rau an toàn, được quản lý, giám sát. Hiện, năng lực sản xuất, cung ứng thực phẩm của thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại được đưa về từ các tỉnh và nhập khẩu…
- Để bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân, Sở Công Thương sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp gì để bình ổn thị trường?
Bà Trần Thị Phương Lan: Nhằm chủ động trong công tác bảo đảm hàng hóa, phục vụ nhân dân, Sở Công Thương đã xây dựng và triển khai phương án về nguồn cung hàng hóa.
Bên cạnh đó, Sở đã đề nghị các quận, huyện, thị xã, các đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động xây dựng phương án bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân trên từng địa bàn và chú trọng những mặt hàng bình ổn giá…
Sở Công Thương đã trình Uỷ ban Nhân dân thành phố xem xét, ban hành nội dung tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh/thành; xem xét hỗ trợ xe chở hàng tiêu dùng thiết yếu và phục vụ công tác bình ổn thị trường hoạt động 24/24 giờ trên địa bàn.
- Trân trọng cảm ơn bà./.