Hàng container qua cảng biển giữ đà tăng trưởng cao trong 9 tháng

Trong 9 tháng năm 2021, tổng khối lượng hàng container qua cảng biển cả nước vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số, ước đạt gần 18,6 triệu TEU, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Tàu container CMA CGM CORTE REAL tải trọng 165.375 DWT, có chiều dài 365,5m cập cảng GERMALINK (Bà Rịa-Vũng Tàu) bốc dỡ hàng hóa. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, 9 tháng năm 2021, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 535,7 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.

Thời gian qua, dù hàng hóa thông qua một số cảng biển lớn khu vực phía Nam chịu tác động mạnh của dịch COVID-19, song tổng khối lượng hàng container qua cảng biển cả nước vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số, ước đạt gần 18,6 triệu TEU, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số đó, hàng xuất khẩu ước đạt hơn 6 triệu TEU (tăng 13%), hàng nhập khẩu ước đạt hơn 6,1 triệu TEU (tăng 18%), hàng nội địa ước đạt hơn 6,3 triệu TEU (tăng 13%).

Trước đó, trong 8 tháng đầu năm 2021, hầu hết khu vực cảng biển có khối lượng hàng container thông qua lớn đều có mức tăng trưởng dương như khu vực Vũng Tàu tăng 28%, khu vực Đồng Nai tăng 17%, khu vực Thành phố Hồ Chí Minh tăng 11%, khu vực Hải Phòng tăng hơn 15%.

Một số khu vực cảng biển dù thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng có lượng hàng thông qua rất lớn và giữ mức tăng trưởng như khu vực Thành phố Hồ Chí Minh tăng hơn 7%; khu vực Vũng Tàu tăng 5%; khu vực Hải Phòng tăng gần 11,7% so với cùng kỳ năm 2020.

[Hàng hóa container qua các cảng biển Việt Nam tăng 18%]

Cũng liên quan đến cảng biển, Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050.

Với quy hoạch này, hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn mới sẽ được phân thành 5 nhóm, thay vì 6 nhóm cảng biển như giai đoạn trước.

Nhóm cảng biển số 1 gồm 5 cảng biển: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Nhóm cảng biển số 2 gồm 6 cảng biển: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Nhóm cảng biển số 3 gồm 8 cảng biển: Đà Nẵng (gồm khu vực huyện đảo Hoàng Sa), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (gồm khu vực huyện đảo Trường Sa), Ninh Thuận và Bình Thuận.

Nhóm cảng biển số 4 gồm 5 cảng biển: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và Long An.

Nhóm cảng biển số 5 gồm 12 cảng biển: Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang.

Theo quy hoạch được phê duyệt, tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 313.000 tỷ đồng và được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng; khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục