Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt vừa đưa ra ước tính tổn thất và dự phòng chi trả bảo hiểm sau cơn bão số 1 trong đó đặc biệt có vụ tổn thất lên tới 10 triệu USD.
Theo báo cáo của phía Bảo hiểm Bảo Việt, thiệt hại về mảng tài sản kỹ thuật tính tới 18 giờ 28/7 là 48 vụ tổn thất. Trong số này, tổn thất đặc biệt lớn là tổ hợp nhà máy dệt may Smartshirts tại Nam Định với ước tính lên đến 10 triệu USD.
Với thiệt hại về mảng xe cơ giới, đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho hay, đơn vị này đã ghi nhận 17 vụ tổn thất với tổng dự phòng chi trả bảo hiểm là 188 triệu đồng.
Phía công ty này cũng cho hay, Bảo hiểm Bảo Việt sẽ tiếp tục phối hợp hỗ trợ các đơn vị tại Thái Bình, Nam Định, Hà Nội để thu thập và cập nhật thông tin thiệt hại phát sinh.
Trước đó, cơn bão số 1 đã ảnh hưởng tới các tỉnh khu vực Bắc Bộ như: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội,… Riêng tại Hà Nội, do ảnh hưởng của bão số 1, từ đêm 27/7, cơn bão đã gây mưa to, gió giật mạnh cấp 6-7. Sáng 28/7, tại Hà Nội gió tiếp tục giật mạnh và mưa trên diện rộng đã khiến người dân di chuyển vô cùng khó khăn, nhiều cây cối ở các tuyến đường bật gốc, đổ chắn ngang đường, đè bẹp ôtô, xe máy.
Cụ thể, theo thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) Công an thành phố Hà Nội sáng 28/7, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 10 điểm ngập úng, 667 cây xanh bị đổ trong đó 4 cây đổ vào xe ôtô, 2 cây đổ làm 5 xe môtô bị hư hỏng, 3 cây đổ chắn ngang đường sắt, 2 cột điện đổ và 19 nút đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố.
Hàng loạt cây xanh trên địa bàn thành phố cũng bị gãy, đổ, trong đó nhiều cây xanh cỡ lớn trên phố Phạm Hồng Thái, Hàng Bún, Đội Cấn (quận Ba Đình); Tuệ Tĩnh, Kim Ngưu, Nguyễn Công Trứ, Lê Thánh Tông (Hai Bà Trưng); Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ (Đống Đa); Tràng Thi, Nguyễn Thái Học (Hoàn Kiếm), Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm), khu vực bờ sông Tô Lịch,... bị gió mưa quật ngã.
Cơn bão cũng gây ra thương vong cho người dân tại xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên. Vụ đổ tường lan can tầng hai tại đây đã làm 1 người chết, 5 người bị thương./.