Báo cáo “Triển vọng môi trường toàn cầu: Những đánh giá khu vực” của Liên hợp quốc mới đây nhận định đến năm 2050, gần 40 triệu người dân Ấn Độ sẽ đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tình trạng nước biển dâng, trong đó người dân sống tại vùng duyên hải ở thành phố Mumbai và Kolkata phải đối mặt với tình trạng lũ lụt cao nhất do vấn đề đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh.
Báo cáo trên cho biết tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu dự báo sẽ xuất hiện ở khu vực Thái Bình Dương, Nam và Đông Nam Á. Sau Ấn Độ, Bangladesh sẽ có 25 triệu người bị ảnh hưởng, trong khi con số này của Trung Quốc và Philippines lần lượt là hơn 20 triệu người và gần 15 triệu người.
Theo báo cáo này, 7 trong số 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng nước biển dâng nằm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Báo cáo cũng cho biết tại nhiều vùng duyên hải, việc gia tăng tình trạng đô thị hóa cũng ảnh hưởng tới khả năng của các hệ thống tự nhiên ven biển trong việc đối phó hiệu quả với những diễn biến khí hậu cực đoan, khiến cho những khu vực này dễ bị tổn thương hơn.
Báo cáo cho rằng một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan dự kiến sẽ đối mặt với tình trạng khí hậu cực đoan gia tăng trong tương lai, đặc biệt là tại những vùng đô thị hóa cao. Bên cạnh đó, báo cáo còn nhận định các thành phố gồm Mumbai và Kolkata (Ấn Độ), Quảng Châu và Thượng Hải (Trung Quốc), Dhaka (Bangladesh), Yangun (Myanmar), Bangkok (Thái Lan), Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng (Việt Nam) dự kiến sẽ có nhiều người dân phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng cao trong năm 2070.
Trong năm 2011, có tới 6/10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng biến đổi khí hậu nằm ở châu Á-Thái Bình Dương.
Báo cáo dự báo phương kế sinh nhai của người dân có thể bị tác động nghiêm trọng do thảm họa thiên nhiên, các cuộc khủng hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu tác động.
Các khu vực duyên hải nhiều khả năng phải đối mặt với gió bão và người nghèo có xu hướng phải hứng chịu thảm họa thiên nhiên nhiều hơn do thường sống ở những vùng đất dễ gặp rủi ro./.