Hãng tin AFP ngày 17/1 đăng bài viết về tình trạng thuốc giả tràn lan ở châu Phi gây ra hàng chục nghìn ca tử vong mỗi năm ở lục địa nghèo nhất thế giới này.
Theo bài viết, khu chợ Roxy nằm ngay tại Abidjan - thành phố lớn nhất và là trung tâm thương mại của Cote d'Ivoire - là nơi giao dịch tất cả các loại thuốc giả, được coi là thiên đường của thuốc giả. Khu chợ này vẫn tồn tại dù giới chức khu vực đã nhiều lần nỗ lực triệt phá cũng như tiêu hủy các dược phẩm giả. Một nhóm người điều hành khu chợ này định giá và số lượng hàng cung cấp.
[WHO cảnh báo 11% thuốc chữa bệnh tại các nước đang phát triển là giả]
Bài viết dẫn số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy trung bình cứ 10 sản phẩm thuốc trên thế giới thì có 1 sản phẩm bị làm giả, nhưng tỷ lệ này ở một số quốc gia là 7/10 đặc biệt là tại châu Phi. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEFF) ước tính hoạt động buôn bán thuốc giả chiếm 10% tổng doanh thu của ngành dược toàn thế giới, tương đương hàng chục tỷ USD/năm và con số này tăng gần như gấp ba trong vòng 5 năm.
Đơn vị hợp tác chống dược phẩm giả của hãng dược Sanofi (Pháp) cho biết dược phẩm là mặt hàng bị làm giả nhiều nhất trên thế giới và tình trạng này đang ngày càng gia tăng do lợi nhuận hấp dẫn các băng nhóm tội phạm.
Theo WHO, mỗi năm có 100.000 ca tử vong tại châu Phi do dùng thuốc giả. Hồi tháng 8 vừa qua, Interpol cho biết đã thu giữ 420 tấn dược phẩm giả trong một chiến dịch triển khai tại các quốc gia Tây Phi. Tình trạng thuốc giả được kiểm soát tốt hơn cả tại Nam Phi do nước này có hệ thống cấp phép rất nghiêm ngặt.
Hiện những đối tượng buôn bán thuốc giả chỉ phải đối mặt với cáo buộc vi phạm bản quyền mà không phải chịu những mức phạt đủ sức răn đe liên quan tới tính mạng của hàng trăm nghìn người. Vì vậy, giới chuyên gia kêu gọi phát động cuộc chiến toàn cầu chống nạn buôn bán dược phẩm giả./.