Hàng chục nghìn hành khách bị ảnh hưởng do đình công tại Đức

Hiệp hội sân bay Đức ADV cho biết đình công có thể ảnh hưởng đến khoảng 295.000 hành khách và hơn 2.300 chuyến bay, ADV kêu gọi các bên tìm giải pháp đàm phán thay vì làm ảnh hưởng đến hành khách.
Hàng chục nghìn hành khách bị ảnh hưởng do đình công tại Đức ảnh 1Các máy bay của hãng hàng không Lufthansa đỗ tại sân bay Frankfurt (Đức) trong bối cảnh diễn ra đình công, ngày 17/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hàng chục nghìn hành khách đã rơi vào tình cảnh “khóc dở mếu dở” khi hãng hàng không lớn nhất của Đức Lufthansa hủy hơn 1.300 chuyến bay trong ngày 17/2, trong bối cảnh của cuộc đình công kéo dài 24 giờ do nghiệp đoàn Verdi kêu gọi.

Verdi đã kêu gọi nhân viên tại tám sân bay ở Đức đình công đòi tăng lương. Hai sân bay lớn là Frankfurt và Munich đã chịu cảnh ách tắc nhiều nhất.

Verdi ngày 17/2 tuyên bố: “Cuộc đình công sẽ tác động mạnh đến nhiều hoạt động, đặc biệt là với giao thông hàng không nội địa, từ chậm trễ đến hủy chuyến và thậm chí ngừng hoạt động một phần giao thông hàng không.”

Hiệp hội sân bay Đức ADV trước đó cho biết đình công có thể ảnh hưởng đến khoảng 295.000 hành khách và hơn 2.300 chuyến bay. Hiệp hội này kêu gọi thay vì làm ảnh hưởng đến hành khách, các bên tìm giải pháp trên bàn đàm phán.

Cuộc đình công trên toàn quốc sẽ không ảnh hưởng đến các chuyến bay cung cấp hàng viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nơi cộng đồng quốc tế đang nỗ lực khắc phục hậu quả của trận động đất kinh hoàng khiến hơn 43.000 người thiệt mạng và nhiều nhà cửa bị tàn phá nặng nề - Verdi cho biết.

Các máy bay chở các nhà lãnh đạo tới tham dự Hội nghị An ninh Munich cũng không bị ảnh hưởng.

[Đức: Bảy sân bay đình trệ hoạt động vì nhân viên đình công]

Trong bối cảnh người lao động đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng cao do lạm phát kéo dài, Verdi hiện đang dẫn đầu các cuộc đàm phán với giới chủ yêu cầu tăng lương cho nhân viên mặt đất và an ninh hàng không.

Vòng đàm phán tiếp theo với người sử dụng lao động dự kiến diễn ra vào các ngày 22-23/2.

Hàng chục nghìn hành khách bị ảnh hưởng do đình công tại Đức ảnh 2Danh sách các chuyến bay bị hoãn và hủy do đình công tại sân bay Frankfurt (Đức) ngày 17/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hôm 15/2, Lufthansa đã buộc phải hủy hoặc hoãn nhiều chuyến bay do sự cố nghiêm trọng trong hệ thống thông tin làm ảnh hưởng đến quy trình làm thủ tục, lên máy bay của tất cả các hãng hàng không thuộc tập đoàn này.

Hồi cuối tháng Một, tất cả các chuyến bay đi và cất cánh từ sân bay BER ở Thủ đô Berlin của Đức cũng từng bị hủy do nhân viên đình công đòi tăng lương. Khoảng 300 chuyến bay bị hủy hoặc bị hoãn, ảnh hưởng tới khoảng 35.000 hành khách.

Cuộc đình công kéo dài một ngày, bắt đầu từ 3h30 sáng 25/1, với sự tham gia của khoảng 1.500 nhân viên sân bay BER mang tính chất cảnh báo - cũng do nghiệp đoàn Verdi tổ chức nhằm gia tăng sức ép đối với giới chủ trước vòng đàm phán đòi tăng lương tiếp theo, sau ba vòng đàm phán không đạt hiệu quả trước đó.

Trước đó, Verdi yêu cầu tăng lương hằng tháng 500 euro trong giai đoạn 12 tháng cho lực lượng nhân viên mặt đất do giá cả và lạm phát tăng mạnh. Với lực lượng an ninh sân bay, Verdi muốn chi trả cao hơn cho thời gian làm việc cuối tuần hoặc nghỉ lễ.

Trong khi đó, phía công ty muốn đề nghị một lộ trình kéo dài 24 tháng, trong đó tiền lương sẽ tăng thêm 3% vào ngày 1/6/2023 và thêm 2% vào ngày 1/5/2024.

Hàng chục nghìn hành khách bị ảnh hưởng do đình công tại Đức ảnh 3Các nhân viên tham gia đình công tại sân bay Frankfurt (Đức) ngày 17/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Năm ngoái, nghiệp đoàn lớn nhất ở Đức IG Metall đã đạt được thỏa thuận tăng lương 8,5% cho khoảng 4 triệu nhân viên sau khi họ tiến hành hàng loạt cuộc đình công cảnh báo.

Lạm phát ở Đức đã giảm xuống 8,6% trong tháng 12 năm ngoái sau khi chạm mức 10,4% trong tháng 10, chủ yếu nhờ các biện pháp can thiệp của chính phủ nhằm hạ giá chi phí năng lượng. Cuối tháng Một, Chính phủ Đức dự báo tỷ lệ lạm phát trong năm nay đạt 6% và 2,8% trong năm 2024.

Trong một “bức tranh” lớn hơn, làn sóng đình công diễn ra liên tục đang gây gián đoạn nghiêm trọng nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội tại nhiều quốc gia châu Âu.

Các nghiệp đoàn Pháp đã huy động số lượng người kỷ lục tham gia những cuộc biểu tình phản đối dự luật cải cách hưu trí, trong khi Anh chứng kiến làn sóng đình công lớn nhất trong hơn một thập niên khi có tới nửa triệu người xuống đường đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.

Đây có thể coi là đỉnh điểm của làn sóng đình công, biểu tình vốn lan rộng ở châu Âu từ cuối năm ngoái tới nay trong bối cảnh gia tăng căng thẳng xã hội do tình trạng khủng hoảng chi phí sinh hoạt, giá năng lượng tăng vọt và lạm phát cao ở ''Lục địa già."./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục